Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”: Trách nhiệm nhà báo trong sử dụng mạng xã hội

Sáng 21-9, tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”. Buổi Tọa đàm có sự tham gia của hàng trăm nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định mạng xã hội đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, theo dõi. Việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đang trở nên phổ biển. Do vậy, nhiều cơ quan báo chí, nhà báo tham gia vào mạng xã hội, trang fanpage để tăng cường tương tác. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế, gây hại không nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” nhằm lấy ý kiến, đưa vào hiện thực hóa, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hóa thực hiện Điều 5 quy định đạo đức người làm báo Việt Nam “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác”. 

 Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”: Trách nhiệm nhà báo trong sử dụng mạng xã hội ảnh 1 Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiến sĩ Mai Đức Lộc cho biết thêm: “Luật An ninh mạng vừa được thông qua tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội Khóa XIV và đã chính thức đi vào hoạt động. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, xã hội đối với vai trò của mạng xã hội và đời sống báo chí nói riêng, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng và bùng nổ thông tin hiện nay”.

Ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu: “Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” là diễn đàn hết sức có ý nghĩa, quan trọng, thực sự cần thiết và đúng đắn, là dịp các nhà báo và người làm báo trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên trao đổi, giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để vận dụng trong hoạt động thực tiễn”.

Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam thì cho rằng, hiện nay việc quản lý mạng xã hội rất khó, mỗi người dùng mạng xã hội như một tổng biên tập, một địa chỉ kết nối với bạn đọc. Do vậy, các cơ quan báo chí, nhà báo lựa chọn các thông tin đưa lên mạng xã hội cần xác định điều gì nên đưa, không nên đưa.

 Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”: Trách nhiệm nhà báo trong sử dụng mạng xã hội ảnh 2 Quang cảnh tọa đàm Nhà báo và mạng xã hội tổ chức tại Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tỉnh Quảng Trị, cho rằng, thông tin của nhà báo phải là thước đo chuẩn mực cho toàn xã hội, hiện nay báo chí đi sau mạng xã hội rất nhiều, mạng xã hội online 24/24, dẫn đến có tình trạng nhà báo lấy thông tin trên mạng xã hội dù nhà báo đã có kiểm chứng nhưng vẫn đi sau mạng xã hội và đi sau tình hình. Nhà báo phải định hướng, dẫn dắt mạng xã hội. 

Nhà báo Phan Hoàng Phương- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng chỉ có 1.064 triệu dân nhưng có đến hơn 100 cơ quan báo chí với gần 800 phóng viên, nhà báo hoạt động sôi nổi hằng ngày, hằng giờ. Nhiều năm nay, nhà báo đã sử dụng mạng xã hội như một nơi đăng tải thông tin hữu ích, như Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng lập trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi, Xanh, Sạch, Đẹp” với 71.400 thành viên, hỗ trợ kịp thời vấn đề của đô thị. Chúng ta tin rằng mạng xã hội luôn có những người tốt, chúng ta cần nhận ra rằng mặt tích cực của mạng xã hội là sự giám sát của người dân với những vấn đề tiêu cực. Vai trò của nhà báo trước tốc độ phát triển mạng xã hội cần được thể hiện rõ ràng đó là nhà báo cần có định hướng, thái độ khi đăng tải và tiếp nhận thông tin, kể cả các bình luận.

Các ý kiến của nhà báo, phóng viên, Hội Nhà báo các địa phương là cơ sở để tham gia góp ý, hiện thực hóa hơn nữa Điều 5 quy định đạo đức người làm báo Việt Nam “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác”.

Tin cùng chuyên mục