Tổ trưởng - người “vác tù và”

Từ sáng tới khuya, những công việc có tên, không tên cứ triền miên, phụ cấp chỉ mấy trăm ngàn đồng một tháng không đủ tiền xăng xe, nhưng nhiều tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân vẫn miệt mài công việc. 

“Tổ trưởng đâu rồi?”

Gần 22 giờ đêm, khi cả nhà chuẩn bị đi ngủ, ông Nguyễn Hữu Hậu (62 tuổi), Tổ trưởng Tổ dân phố 5, khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12 (TPHCM), nhận được điện thoại của người dân trong tổ, phản ánh một nhóm thanh niên tụ tập ăn nhậu, hát karaoke ồn ào.

Ông dắt chiếc xe máy chạy đi. Tới nơi, thấy nhóm thanh niên đã ngà ngà say, ông Hậu ghé vào vờ xin điếu thuốc lá rồi nhỏ nhẹ nhắc nhở, một lúc sau nhóm thanh niên tắt loa nghỉ hát. “Những trường hợp thế này mình phải tế nhị, nhẹ nhàng, có khi năn nỉ chứ họ có hơi men rồi mà căng quá có khi mang họa vào thân”, ông Hậu nói.

Tổ trưởng - người “vác tù và” ảnh 1  Ông Nguyễn Hữu Hậu tặng quà người dân khó khăn trên địa bàn. Ảnh: NGÔ BÌNH

Tham gia tổ dân phố cách đây hơn 5 năm, gần như ngày nào ông Hậu cũng phải thức khuya, dậy sớm để giải quyết đủ thứ việc không tên, từ vợ chồng bất hòa đến xả rác, thú nuôi phóng uế bừa bãi, hát karaoke gây ồn ào… Tổ 5 có khoảng 50 hộ thường trú, cùng hơn 200 phòng trọ, tổng cộng hơn 1.200 nhân khẩu, đa số là công nhân, lao động tự do.

Địa bàn đông dân, không đủ thời gian đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách nên ông Hậu lập nhóm trò chuyện trên Zalo và mời tất cả người dân trên địa bàn tham gia. Khi có nhóm trò chuyện, phản ánh của người dân ngày càng nhiều, công việc của ông Hậu cũng tăng lên gấp bội. 

Đặc biệt là đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông “tả xung hữu đột”, đến từng hộ để vận động người dân đi tiêm vaccine, xét nghiệm nhanh, rồi lo kêu gọi lương thực, thực phẩm hỗ trợ những gia đình bị cách ly. Chưa kể ông phải sâu sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn, ma chay, cưới hỏi hay vận động người dân làm căn cước công dân gắn chip…

Những cuộc gọi bất kể giờ giấc, những công việc “từa lưa” cũng trở thành nhịp sống quen thuộc của ông Huỳnh Bá Dương (66 tuổi), Tổ trưởng Tổ 9, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Tổ có 150 hộ, hầu hết là dân nhập cư. Năm 2012, ông được vận động làm tổ trưởng tổ nhân dân vì có kinh nghiệm công tác ở cơ sở và là cựu chiến binh.

10 năm nay, ông miệt mài với những công việc phòng chống dịch bệnh, giúp xã thu các khoản thuế, vận động người dân đi chích ngừa, coi đường sá chỗ nào hư để dặm vá. Những vụ trộm cắp, hát karaoke khuya ồn ào, phát hiện xây nhà trái phép…, ông đều phải có mặt để tham gia giải quyết. 

Công nghệ chưa thay được con người

Cũng như ông Huỳnh Bá Dương, mỗi tháng ông Nguyễn Hữu Hậu được hỗ trợ 400.000 đồng cho chức danh tổ trưởng. Ngoài ra, ông tham gia Ban công tác Mặt trận khu phố, Ban thanh tra nhân dân… với tổng mức hỗ trợ hàng tháng khoảng 1,8 triệu đồng. Việc nhiều, áp lực lớn nhưng trợ cấp không đáng kể, nhiều lúc ông Hậu có ý định thôi làm tổ trưởng tổ dân phố, nhưng nghĩ lại còn nhiều người cần hỗ trợ nên ông lại cố gắng.

Phòng Nội vụ quận 12 cho biết, quận có 80 khu phố, với 1.019 tổ dân phố. Hơn 1.000 tổ trưởng, hơn 900 tổ phó tổ dân phố đang thực hiện công việc hỗ trợ chính quyền, ổn định trật tự, bảo đảm an sinh xã hội. 

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh Trần Thị Thái Nguyên cho hay, xã có 290 tổ nhân dân. Các tổ trưởng đa phần là người lớn tuổi, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, có khả năng tuyên truyền, giải thích, được lòng dân, nắm được địa bàn. “Công việc nhiều mà phụ cấp không bao nhiêu, nhiều khi phải năn nỉ lắm các bác mới chịu làm”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B nói. 

Từng nhiều năm công tác ở khu phố với vai trò Trưởng khu phố 6 (phường Bến Nghé, quận 1), ông Trần Quang Tuấn cũng cho rằng, điều quan trọng nhất trong đề án sắp xếp lại là phải có được phương án tối ưu để vận động nhân dân.

Theo ông Tuấn, hiện nay, hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được phường giao cho khu phố triển khai xuống các tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Trong khi đó, do tính chất đô thị nên rất khó vận động người dân tham gia các hoạt động chung, nếu cán bộ tổ dân phố không “gõ từng nhà, rà từng người” thì… thua. Công nghệ thông tin chỉ giải quyết được một phần, vì chủ yếu là tuyên truyền một chiều, rất khó nhận được sự tương tác từ phía người dân. Do vậy, khi sắp xếp cần tính toán đến yếu tố này. 

“Cán bộ ở khu phố, tổ dân phố không để tâm nhiều đến phụ cấp, bởi thực tế lâu nay khoản phụ cấp đó không đủ để đổ xăng chạy việc. Tuy nhiên, mọi người tham gia công tác ở cơ sở trước hết vì cái tâm và đó cũng là nơi để cán bộ về hưu có việc này việc kia, giúp bản thân mình năng động hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Cao điểm dịch Covid-19, làm tối mắt tối mũi đến không kịp thở, ông Huỳnh Bá Dương cũng chạnh lòng khi có những người dân chưa được hỗ trợ đã nặng lời với mình.

Nghĩ tới khoản phụ cấp cho công việc này chưa tới 600.000 đồng/tháng, nghĩ tới việc con cháu tối ngày kêu ông nghỉ, ông cũng lung lay dữ lắm. Nhưng ông nghĩ, mình có tuổi rồi, nghỉ làm thì nhụt chí, lại gây khó khăn cho địa phương vì không có ai làm. Vậy là ông lại cố gắng hết sức.

“Nếu sắp xếp lại, tôi không đòi hỏi phải có chính sách gì. Tôi không có nguyện vọng gì hơn, chỉ mong địa phương an ninh trật tự ngày càng tốt hơn, bà con ăn nên làm ra”, ông Dương nói. 

Tin cùng chuyên mục