Tình thương và trách nhiệm

Đất nước đang bước vào xuân. Mọi hoạt động lúc này hầu như đều hướng về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đô thị, trung tâm kinh tế lớn nhất nước như TPHCM đã vắng đi những hình ảnh tất bật, vội vã, hối hả thường ngày, thay vào đó đường phố ngập tràn sắc xuân khi nhiều hơn những dáng áo dài, váy hoa khoe sắc. Các công trình văn hóa giải trí, cùng các điều kiện khác để người dân đón Xuân Canh Tý 2020 gần như đã sẵn sàng. 

Quan sát và cảm nhận có thể thấy, công tác tổ chức, chăm lo Tết cổ truyền 2020 theo tinh thần Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư được ban hành cách đây không lâu, nhưng bước đầu đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn một cách sinh động. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các địa phương dành nhiều thời gian thực hiện những chuyến công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa - một đạo lý, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta đối với các gia đình liệt sĩ, gia đình những người có công, các đồng chí lão thành cách mạng đã có nhiều đóng góp, hy sinh trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước; đi thăm, chúc tết các chức sắc tôn giáo, các đơn vị lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ, nhất là ở những nơi hải đảo xa xôi. 

Cả xã hội đang chung tay chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người neo đơn, yếu thế, đồng bào ta ở những vùng khó khăn mà thời gian qua bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… để tất cả người dân ai ai cũng có tết. 

Tết Canh Tý 2020, theo báo cáo sơ bộ, TPHCM đã trích ngân sách với số tiền 842 tỷ đồng để chăm lo các đối tượng. Mức chăm lo năm nay cao hơn khoảng 82 tỷ đồng so với tết năm 2019 và tăng 24 tỷ đồng theo đề xuất, tính toán ban đầu. Bên cạnh khoản chi từ ngân sách, tết ấm áp hơn khi cả nước ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo lan tỏa yêu thương, lấy sức dân để lo cho dân.

TPHCM có những “chuyến xe sum vầy”, “tấm vé nghĩa tình” mỗi năm trao tặng, đưa hàng chục ngàn công nhân, học sinh, sinh viên khó khăn về quê đón tết ở các tỉnh xa xôi thuộc miền Bắc, miền Trung của đất nước. TPHCM còn có “Tết sum vầy” để những lãnh đạo TP có dịp ngồi lại chuyện trò, thăm hỏi, động viên, chúc tết, lì xì trong bữa cơm thân mật với công nhân không về quê đón tết. Không dừng lại đó, có những mạnh thường quân âm thầm tổ chức những “chuyến  xe 0 đồng” để đưa người dân đang mưu sinh ở TPHCM có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về vui tết với gia đình. Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội lan truyền nhanh về hình ảnh đường hoa tết rực rỡ sắc màu đến 30 tiểu cảnh được tổ chức ngay trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Việc làm đậm tính nhân văn của Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận nhiều lời khen ngợi từ phía cộng đồng khi phần nào giúp cho những bệnh nhân, thân nhân đang điều trị tại bệnh viện cảm nhận được hương xuân, vơi đi nỗi đau buồn về bệnh tật mà họ đang chống chọi, chữa trị… Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa tổ chức tại TPHCM nhằm gây quỹ chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, theo thống kê sau 21 năm, chương trình đã huy động mạnh thường quân đóng góp hơn 7.700 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng.   

Thật khó có thể kể hết những việc làm mà cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đang nỗ  lực, góp sức để người dân cả nước có được cái tết ấm áp sum vầy. Và, trong dòng chảy của cuộc sống, chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn, thách thức... đối với đất nước, trong đời sống của mỗi người dân. Tuy nhiên, với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân nhìn từ hoạt động chăm lo Tết cổ truyền, phần nào cho thấy sức mạnh về sự đoàn kết, về lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương của một dân tộc. Chính những giá trị văn hóa, truyền thống cao đẹp không ngừng được hun đúc này sẽ tạo nên sức mạnh giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình tiến về phía trước. 

Tin cùng chuyên mục