Tính thực tiễn trong xét tặng danh hiệu

Mới đây, tại TPHCM, Bộ VH-TT-DL và Vụ Thi đua - Khen thưởng tổ chức hội nghị - hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (NĐ89) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) khu vực phía Nam. 

Bộ VH-TT-DL sẽ tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi NĐ89 về công tác xét tặng danh hiệu được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, tôn vinh được các nghệ sĩ tài năng có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, góp phần thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với các nghệ sĩ trong tình hình mới. 

Tính đến lần xét tặng thứ 9-2019, Nhà nước đã trao tặng 451 danh hiệu NSND và 2.621 danh hiệu NSƯT. Và sau 3 lần có sự điều chỉnh, sửa đổi, nghị định đã khá hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn qua các đợt xét tặng danh hiệu, qua ý kiến trao đổi của các chuyên gia chuyên ngành và dư luận xã hội, Bộ VH-TT-DL đã thực hiện rà soát lại các quy định của NĐ89, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cụ thể gồm: Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân được tuyển dụng vào một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên hội đồng, trong đó có chủ tịch hội đồng hoặc phó chủ tịch hội đồng được chủ tịch hội đồng ủy quyền; hoàn thiện hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và được ít nhất 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý; một số trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với hơn 10 ý kiến đóng góp của những người làm nghề, đại diện cơ quan quản lý văn hóa, hội thảo đã nêu bật những vấn đề còn tồn tại của khu vực phía Nam sau khi có NĐ89.

Đó là, mỗi lần bình xét đều diễn ra tranh cãi, việc họp xét xong các danh hiệu rồi vẫn còn những ý kiến chưa thật thỏa đáng, một số ý kiến bị cực đoan; NĐ 89 cần thông tin rõ hơn về vấn đề quy đổi giải cá nhân của diễn viên múa chính trong một giải vàng chung của một tập thể; cần xem lại việc quy đổi huy chương vàng theo vai trò và công việc giữa đạo diễn truyền hình (làm việc vất vả hơn nhiều lần so với đạo diễn phát thanh); nghệ sĩ tự do không có điều kiện tham gia các hội diễn chuyên nghiệp để có huy chương; rất nhiều tác giả, soạn giả giỏi nghề, có hàng trăm tác phẩm đã và đang được lưu hành, đi vào đời sống xã hội nhưng vẫn không được xét tặng danh hiệu; nên xem lại khái niệm xét danh hiệu cho người biểu diễn trước công chúng, vì một số người làm truyền hình, đạo diễn phim truyền hình nhiều tập, làm công việc trong hậu trường, các biên đạo múa, biên kịch… dù có nhiều đóng góp cho văn hóa nghệ thuật cũng không được xét tặng; đội ngũ nghệ sĩ làm nghệ thuật hàn lâm không có các cuộc thi để tham gia, nên không thể có huy chương và không đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu… 

Từ những ý kiến tâm huyết của các nghệ sĩ, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Lương Hồng Quang nêu rõ: “Việc sửa đổi, bổ sung nghị định là cần thiết vì so với cuộc sống hiện đại hôm nay, nghị định đã có sự lỗi thời. Văn bản pháp luật là để nâng đỡ thực tiễn chứ không chạy sau thực tiễn”.

Tin cùng chuyên mục