Tinh thần Việt nơi đấu trường SEA Games

Những hình ảnh quả cảm của các cô gái đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong trận chung kết trước Thái Lan đã làm người hâm mộ cả nước xúc động, dù đây không phải là lần đầu tiên các cô gái áo đỏ bước bên bục cao nhất tại SEA Games mà đã 6 lần như thế. Bóng đá nữ Việt Nam không chỉ vượt qua trong trận chung kết hôm 8-12, mà còn trở thành đội đoạt HCV nhiều nhất trong lịch sử SEA Games môn bóng đá nữ.

Nhưng có theo dõi trực tiếp 120 phút nghẹt thở của trận chung kết mới cảm nhận được hết tinh thần và bản lĩnh Việt Nam của các cô gái đá bóng - họ thua kém đối phương về thể hình. Các cầu thủ phòng ngự của Việt Nam đã phải bật nhảy liên tục trước chiến thuật bóng bổng nhờ ưu thế chiều cao của Thái Lan. Đòn “tra tấn thể lực” ấy đã khiến trung vệ Hồng Nhung phải vào thẳng bệnh viện ngay sau trận đấu vì suy nhược. Trung vệ Chương Thị Kiều rách da đùi, máu tứa ướt cả băng cứu thương nhưng vẫn chỉ huy hàng phòng ngự kiên cường trước các đợt tấn công của đối phương. Đội trưởng Huỳnh Như lên công, về thủ, 2 lần nằm sân vì chuột rút nhưng đến tận phút 111 mới chịu ra sân. Đến lúc lao ra sân ăn mừng cùng đồng đội, cô lại bị chuột rút lần nữa.

Huỳnh Như và các đồng đội của mình đã chiến thắng theo cách của những chiến binh. Đấy là chiếc HCV của mồ hôi, nước mắt và cả máu. Nhưng trên hết, đó chính là tinh thần Việt Nam. Một tinh thần không bỏ cuộc, không đầu hàng trước khó khăn, luôn khao khát vươn đến vinh quang bằng sự tận hiến cho nghề nghiệp. 

Chúng ta có thể thấy tinh thần ấy trên gương mặt lạnh như băng, cứng như đá của “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh. Tại SEA Games 30, cô gái vàng trên đường chạy tốc độ phải đối đầu với VĐV nước chủ nhà gốc Mỹ ở các cự ly 100m danh giá nhất của điền kinh. Tú Chinh thua ở cự ly 200m, kém đối thủ ở đợt chạy vòng loại, nhưng cô đã giành chiến thắng bằng 1% giây tại nội dung quan trọng nhất 100m, khiến đối thủ phải ngã nhào ngay vạch đích. Áp lực khủng khiếp từ đối thủ không làm lung lay Tú Chinh, ngược lại, như cô nói rằng sức ép đó chỉ giúp cô thêm khao khát chiến thắng. 

Chúng ta cũng thấy được tinh thần ấy trong nụ cười của Nguyễn Thị Huyền, một kỷ lục gia trên đường chạy trung bình của 2 kỳ SEA Games gần nhất. Mới sinh con 3 tháng, cô đã quay lại tập luyện để kịp lấy phong độ dự SEA Games 30. Chiếc HCV trên đường chạy 400m sở trường không chỉ gây bất ngờ ngay cả với chính chủ nhân của nó, mà còn được xem là điều khó tin với làng điền kinh thế giới, đặc biệt là ở các môn đua tốc độ vốn cực kỳ khắc nghiệt.

Câu chuyện về những giọt nước mắt của “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, lại là một khía cạnh khác của tinh thần ấy. Trong một năm mà việc tập luyện không như ý, tuổi tác và áp lực từ chỉ tiêu huy chương được giao cũng đã đè nặng lên phong độ, Ánh Viên vẫn là VĐV giành nhiều HCV nhất của đoàn TTVN cũng như của SEA Games 30. 

Trên mỗi tấm huy chương, là một câu chuyện truyền đi tinh thần Việt Nam. Tại một kỳ SEA Games mà nước chủ nhà Philippines đã tận dụng ưu thế để đưa hàng chục nội dung ít phổ biến, đồng thời bỏ đi nhiều bộ huy chương mang tính tiêu chuẩn, đoàn TTVN chỉ có thể đăng ký tham gia 2/3 số môn thi đấu, tính cạnh tranh cao hơn gấp đôi cho một vị trí trong tốp 3 toàn đoàn trước những đoàn thể thao đã giành vị trí số 1 ở các kỳ gần nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Nhưng một lần nữa, trên sân cỏ, đường chạy điền kinh, thảm đấu hay đường đua xanh, các VĐV Việt Nam cho thấy tinh thần Việt Nam với những nỗ lực giành vinh quang cháy bỏng.

Hãy lấy câu chuyện của bóng đá nữ làm ví dụ. Từ chiếc HCV đầu tiên ở SEA Games 2001 đến nay, hoàn cảnh của các cô gái đá bóng không hề thay đổi. Họ vẫn chỉ có những khoản thu nhập ít ỏi. Họ tập luyện mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, và chỉ thi đấu chưa đến 20 trận mỗi mùa để có thêm những khoản tiền bồi dưỡng phát sinh tùy sự kiện. Bóng đá nữ cũng như đa số các môn thể thao khác vẫn đang hoạt động theo hình thức “bao cấp” với nguồn ngân sách ít ỏi có được của ngành thể thao. Có rất ít nguồn lực xã hội tham gia tài trợ khi mà hệ thống thi đấu của nhiều môn vẫn chưa chuyển sang chuyên nghiệp, thiếu hẳn các CLB đa môn tư nhân như mô hình của nhiều nước trong khu vực. Chúng ta cũng chưa có nền thể thao học đường mạnh, quá trình tìm kiếm tài năng và đào tạo VĐV với bài bản của hàng chục năm trước. Ngay cả câu chuyện thể hình, thể chất của VĐV Việt Nam hiện nay, cũng không thể xem là vượt trội so với những thế hệ trước.

Nhưng thật tuyệt vời khi tinh thần Việt Nam luôn tỏa sáng ở đấu trường SEA Games. Các VĐV của chúng ta không chỉ vượt lên chính mình. Họ không chỉ chiến thắng các giới hạn bản thân, mà còn vươn lên đỉnh cao để giành vinh quang, duy trì sức mạnh ấy qua nhiều kỳ SEA Games. Họ đã truyền cảm hứng và góp phần nâng cao vị thế và tầm vóc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục