Tình quân dân trong đại dịch

Dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại nhưng đã để lại nhiều ấn tượng về mối quan hệ quân dân. Trong đại dịch, cùng tham gia với lực lượng tuyến đầu luôn có hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn làm việc không kể ngày đêm với ý nghĩ đóng góp nhiều nhất trong khả năng có thể.
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 vận chuyển nhu yếu phẩm giúp người dân những ngày thành phố giãn cách. Ảnh: THẾ ANH
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 vận chuyển nhu yếu phẩm giúp người dân những ngày thành phố giãn cách. Ảnh: THẾ ANH

Chuyện như mới hôm qua

Dịch Covid-19 hoành hành trên toàn địa bàn Quân khu 7, điểm nóng là TPHCM với diễn biến xấu đi từng ngày. Chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng số ca mắc mới, số người tử vong ngày một tăng, TPHCM nâng dần mức độ thực hiện giãn cách xã hội... Tại Bộ Tư lệnh Quân khu, Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã ban hành Chỉ thị 660 mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch, với phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân”. Tất cả như những thước phim quay chậm như mới hôm qua.

Chỉ huy và chiến sĩ lực lượng vũ trang vào trận. Quân khu là đơn vị đầu tiên triển khai đưa lực lượng vũ trang vào giúp dân. Lúc cao điểm, quân khu đã điều trên 100.000 bộ đội và dân quân ra trận, triển khai trên 16.000 tổ, trạm, đồn, chốt phòng dịch từ thành phố đến địa bàn biên giới. Tại đơn vị, cán bộ chiến sĩ chủ động nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện (BV) chữa bệnh cho dân. Trong một thời gian ngắn các BV dã chiến lần lượt ra đời, gồm: BV số 5, BV 5B và BV 5C, tổng quy mô lên đến 1.900 giường bệnh. BV Quân dân y miền Đông cũng chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19; còn ở BV 7A, 7B đều thành lập khoa điều trị Covid-19. 19.053 bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự chăm sóc, điều trị kịp thời của lực lượng quân y.

“Chống dịch, cứu dân” là 2 nhiệm vụ song hành của bộ đội. Với tinh thần “ở đâu gặp khó ở đó có bộ đội”, bàn tay người lính chai sạn vốn quen với súng ống trên thao trường giờ lại đi chợ, xách mớ rau con cá phát cho người dân tận nhà. Nhớ về các anh bộ đội trong những ngày thành phố giãn cách, anh Nguyễn Văn Hiệp (đường 48, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) kể: “Mỗi khi thấy bộ đội nai nịt gọn gàng mang rau cá đến là cả nhà an tâm. Bây giờ đã qua đỉnh dịch, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới nhưng mỗi khi nhìn qua khe cửa lại thấy nhớ anh bộ đội. Chuyện như mới hôm qua”.

Sáng lên tình quân dân 

Trong đợt thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân”, bên cạnh việc chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch, Quân khu 7 còn mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt khó khăn do dịch Covid-19. Quân khu huy động được sự tham gia của hàng trăm tập thể, doanh nghiệp, cá nhân chung sức hỗ trợ, đóng góp bằng cả tinh thần lẫn vật chất, cùng lực lượng vũ trang tham gia chống dịch. Từ đó, Quân khu tổ chức tiếp nhận, phối hợp vận chuyển và phân phối đến người dân và lực lượng chống dịch lương thực, thực phẩm cùng phương tiện, vật tư y tế với tổng giá trị 812 tỷ đồng. 

Nói về những ngày cao điểm tham gia chiến dịch “Chống dịch, cứu dân” của Quân khu 7, doanh nhân Lê Thị Tố Nga, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Thiên Nga, nhớ lại: “Trong đại dịch, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để đóng góp nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân. Trong thời gian cao điểm, công ty dành 10 tỷ đồng hỗ trợ gạo, thịt, trứng và 500 tấn rau củ quả để thực hiện các chương trình “Phiên chợ 0 đồng”, “ATM gạo”. Doanh nhân Tố Nga chia sẻ: “Công ty hưởng ứng, tham gia chương trình 100.000 phần quà hỗ trợ người dân khó khăn của Bộ Tư lệnh TPHCM phát động. Trong điều kiện thành phố giãn cách, để có đủ số lượng quà là sự thách thức lớn. Cán bộ công nhân công ty áp dụng phương án 3 tại chỗ, làm việc quên giờ giấc suốt nhiều tháng trời”.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TPHCM từng bước được kiểm soát, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới, lực lượng tăng cường hỗ trợ thành phố, trong đó có lực lượng quân y, các anh bộ đội đã được rút về. Nhưng hình ảnh, tấm lòng của các cá nhân, doanh nghiệp chung tay cùng anh bộ đội chống dịch cứu dân vẫn còn in đậm trong lòng người dân thành phố. Chợt nhớ đến khúc ca “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu hết lòng nhau”, bởi trong gian khó càng tô thắm, làm sáng lên tình quân dân.

Đại tá NGUYỄN NHƯ TRÚC, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7:

Khó khăn gian khổ không làm người lính chùn bước mà họ còn sáng tạo nhiều mô hình hay, hiệu quả để đưa hàng hóa thiết yếu đến người dân. Có thể kể đến các mô hình như “Nhà trọ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Cây gạo ATM nghĩa tình”, “Cây ATM khẩu trang”… 

Nhiều chiến sĩ tâm sự, nhờ tham gia giúp dân chống dịch mới hiểu ý nghĩa sâu đậm, tình quân dân của “Hũ gạo tình thương”.

Tin cùng chuyên mục