Tính phí rác thải theo thể tích, người dân có thể không trả tiền nếu phân loại rác

Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 12-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải thích rõ hơn về nội dung thu phí rác thải sinh hoạt, được nhiều người dân quan tâm trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi trình Quốc hội lần này. 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn bên lề phiên họp Quốc hội sáng 12-6-2020
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn bên lề phiên họp Quốc hội sáng 12-6-2020

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nói: “Quan trọng nhất là không thu phí thu gom, xử lý rác theo nguyên tắc đánh đều bình quân, ví dụ sẽ không thu tiền rác 10.000 - 20.000 đồng/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích thải ra. Anh xả ra nhiều thì anh phải trả tiền nhiều hơn. Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế, nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Chẳng hạn, trên bao bì đựng rác người ta tính khoảng bao nhiêu mét khối rác. Tính theo thể tích là phù hợp hơn”.

Giải thích về cách thức thực hiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng nghị định, thông tư. Có nhiều cách thực hiện.

Nhiều nước tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác.

Đề cập đến thực trạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, người dân còn có thói quen vứt rác bừa bãi, thậm chí vứt trộm; ngay cả Hàn Quốc cũng phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này.

“Chính sách có thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm người dân phân loại, đến thu gom thế nào, tức là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý. Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. Nếu người dân ủng hộ được và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Còn việc của nhà nước là đảm bảo các điều kiện để làm sao từ khi người dân phân loại thì có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó. Nhà nước sẽ đầu tư ngay để đảm bảo tính đồng bộ từ quá trình vận chuyển, đến công nghệ xử lý khác nhau với các loại rác khác nhau. Hiện ta có nhiều chế tài xử lý, nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm giám sát và cách tổ chức cộng đồng”.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, người dân chỉ chịu trách nhiệm một phần.

Phần chi phí của nhà nước sẽ được bổ sung để các nhà cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý; đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Luật phải quy định điều đó để xã hội hóa được công tác này.

Bên cạnh đó, rất nhiều rác sinh hoạt có thể tái chế được, ví dụ như giấy, đồ nhựa… Do đó, Luật lần này quy định nếu người dân gom lại, phân loại rác thì loại rác này người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý.

“Người dân chỉ phải trả tiền những gì mà doanh nghiệp phải đầu tư để thu gom, xử lý. Nếu thực hiện việc phân loại rác tốt thì nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tính toán giá thành có lợi cho người dân”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nói rõ.

Tin cùng chuyên mục