Tinh lọc vốn đầu tư FDI

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, vốn năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện có khoảng 330 tỷ USD vốn đăng ký với hơn 26.600 dự án còn hiệu lực. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP cũng ngày càng cao. Nếu như năm 1995, tỷ trọng này là 6,3% thì đến năm 2017 đã tăng lên gần 20%. Thế nhưng, theo các chuyên gia, khi tài nguyên quốc gia không còn phong phú thì việc thu hút vốn đầu tư FDI cũng cần chuyển từ lượng sang chất.

Vốn đầu tư liên tục tăng

Trong 2017, Việt Nam đạt con số kỷ lục về vốn FDI đăng ký đầu tư với khoảng 36 tỷ USD, tăng hơn 44% so với năm trước, trong đó vốn thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Nếu tính lũy kế, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 330 tỷ USD và vốn thực hiện đạt trên 160 tỷ USD. FDI chiếm khoảng 22% - 25% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2018, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng lên.Kết quả dễ thấy nhất của hoạt động đầu tư là nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chỉ năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI đã lên tới 72,6%. Và với con số 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, đã tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin...

Tinh lọc vốn đầu tư FDI ảnh 1 Lập trình máy tính tại Greystone Data Systems Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Việc này còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang những ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, giúp tăng trưởng dài hạn và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến - chế tạo còn góp phần thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm nguyên liệu thô, sơ chế; tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao. Do vậy, GS-TSKH Võ Đại Lược cho rằng Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI suốt 30 năm qua.

Đại diện Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) cũng cho rằng, với nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc và ổn định trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc - chiếm gần 74% trong tổng vốn FDI của tất cả các ngành công nghiệp (kể cả bất động sản).

Hạn chế dự án “mì ăn liền”

Theo ông Bùi Quý Thuấn, Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI ít có tác động lan tỏa và mức độ kết nối chưa cao, nên cần phải kết nối khu vực kinh tế FDI với các khu vực kinh tế tư nhân khác. Ông Bùi Quý Thuấn cho rằng, việc kết nối khu vực FDI với phần còn lại của nền kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên.

Khu vực FDI có tính cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu nên tất cả nguồn lực huy động sẽ được sàng lọc khách quan và khắt khe nhất. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn lực giá rẻ trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên, chính sách ưu đãi luôn được họ khai thác để thu lợi nhuận.

Một đánh giá khác lại cho rằng, nếu trước đây các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư để tận dụng nguồn tài nguyên quốc gia (như đất, lao động giá rẻ…) đã được tinh lọc bằng việc ưu tiên những dự án ít thâm dụng lao động, thì nay cần nhìn nhận ở góc độ tinh lọc cả những dự án ít mang lại giá trị gia tăng cho xã hội.

Bởi theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến tháng 7-2018, lĩnh vực bất động sản giữ vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 56,3 tỷ USD cùng 704 dự án còn hiệu lực. Trong vòng thập kỷ qua, dù nền kinh tế có nhiều thăng trầm nhưng dòng vốn FDI đổ vào bất động sản vẫn luôn tăng trưởng.

Trong 3 năm gần đây, vốn FDI vào các dự án bất động sản tại Việt Nam liên tục tăng. Tuy nhiên, số vốn đăng ký lớn nhưng lượng giải ngân không cao, chỉ mang tính cam kết.

Không chỉ đầu tư bất động sản, ở lĩnh vực thương mại, khách sạn và công nghiệp, nhiều nhà đầu tư còn mua cổ phần những doanh nghiệp bất động sản trong nước, thành lập các quỹ đầu tư để tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Điều nhiều người lo ngại là những dự án bất động sản hầu hết đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”, xây dựng bán kiếm lời và mang lợi nhuận về nước, còn giá trị gia tăng để lại không cao. Trong khi, quốc gia mong muốn thu hút FDI không chỉ là vốn mà còn có sự chuyển giao công nghệ, nhưng việc này chưa được như kỳ vọng.

Do vậy, theo các chuyên gia, định hướng chiến lược về thu hút FDI cần xác định được những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường; mạnh về công nghệ, quản trị; hướng đến nhà đầu tư là tập đoàn đa quốc gia có liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Và qua đó, Chính phủ thống nhất chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, không nên để các địa phương được quyền tự quyết như lâu nay.

Tin cùng chuyên mục