Tính kỹ việc sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông ​

Về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ (GTĐB), nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 44 về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển GTĐB là hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố.
 Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ

Chiều 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Ông Võ Trọng Việt lưu ý, nội dung dự thảo Luật này có liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đường sắt, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công; liên quan đến các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên như Công ước Viên 1968 về GTĐB, Công ước Viên 1968 về biển báo và tín hiệu GTĐB, Hiệp định công nhận giấy phép lái xe giữa các nước trong khối ASEAN… nên cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng cho biết, trong số các nội dung cụ thể, quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị là một nội dung có ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật không quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn hiện nay.

Thực tiễn thực hiện cho thấy tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là Hà Nội và TPHCM mới chỉ đạt khoảng 9%. Theo Tờ trình, Báo cáo tổng kết gửi kèm theo thì tỷ lệ này tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn khác chỉ đạt từ 5% - 12% tùy theo từng khu vực; hơn nữa, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp, như khu vực nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,74 km/km²; tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 1%.

Thường trực Ủy ban QPAN cho rằng, quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như Luật GTĐB hiện hành (từ 16% - 26%) là hợp lý, góp phần khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị; phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng chung trên thế giới (mỗi quốc gia quy định tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị khác nhau, phổ biến là dành tỷ lệ từ khoảng 20% - 25%).

Về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 44 về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia GTĐB nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển GTĐB là hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về quy định chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải (khoản 4 Điều 61), vì cho rằng đây là một loại giấy phép mới, làm phát sinh thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải và cấp giấy phép lái xe có sự trùng lặp về nội dung đào tạo, kiểm tra; trùng lặp về mục tiêu quản lý là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa; nhưng lại do hai tổ chức khác nhau thực hiện.

“Việc bổ sung quy định trên sẽ tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép”, ông Võ Trọng Việt bình luận.

Tranh luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ 

Theo Tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 15-9, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về giao thông đường bộ gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (sẽ được Bộ Công an dự thảo, trình UBTVQH tại phiên họp ngày hôm nay).

Trong khi Thường trực cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) -cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành 2 dự án Luật, thì hầu hết các ý kiến trong UBTVQH lại cho rằng phương án này không đảm bảo tính hệ thống và logic lập pháp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhận định, có sự chồng lấn nhiều nội dung giữa 2 dự Luật nêu trên, chẳng hạn như nội dung quy định về phương tiện giao thông đường bộ. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với nhận xét này.

“Việc tách ra 2 luật đúng là sẽ đặt ra một số vấn đề làm xáo trộn hệ thống pháp luật hiện hành. Các luật về giao thông đường thủy, đường hàng không có tiếp tục tách phần trật tự an toàn ra hay không? Dù hai bộ đã đồng ý tách, nhưng làm như vậy có bảo đảm tính logic, hợp lý trong lập pháp hay không”, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nêu vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có chung quan điểm không nên tách ra thành 2 luật.

Tính kỹ việc sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông ​ ảnh 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUOCHOI
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn phân tích: “Hoạt động giao thông đường bộ bao gồm nhiều thành tố, cả tĩnh và động, tất cả đều hướng đến mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn. Tách ra vừa phá vỡ tính hệ thống, vừa khó lòng tránh khỏi sự trùng lắp, chồng lấn giữa 2 luật; làm rắc rối công tác lập pháp. Vấn đề then chốt ở đây là Chính phủ cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng mảng công việc”.

Lấy ví dụ về việc rất khó để tách bạch các nội dung trong 2 luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Ở chương Vận tải đường bộ của dự thảo Luật này, vì sao phải quy định lái xe đường dài không được chạy liên tục 10 tiếng? Đó chính là để bảo đảm an toàn giao thông, chứ đâu phải thuần túy vận tải”.

Được mời tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, trên thực tế có đến hơn 90% tai nạn là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cho nên Chính phủ đã bàn bạc, thống nhất làm luật riêng về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Hiện chưa đặt vấn đề tách ở các luật khác (giao thông đường thủy, đường sắt, hàng không).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản biện: “Lấy lý do 90% tai nạn giao thông là thuộc đường bộ nên phải tách là chưa thuyết phục và không khoa học, vì hàng không và đường sắt mà xảy ra tai nạn thì thiệt hại cũng rất lớn. Nếu muốn nhấn mạnh công tác bảo đảm an toàn thì đưa thành một chương dày dặn trong Luật này là đủ; còn việc nào do Bộ nào làm thì Chính phủ phân công”.  

Tin cùng chuyên mục