Tình khúc Bạch dương - cuộc sống người Việt ở Nga

Khai thác chủ đề về người Việt sống và làm việc tại Nga, với bối cảnh từ những năm 1986, khi hàng ngàn du học sinh Việt Nam được cử sang Liên bang Nga học tập.
Ảnh trong phim Tình khúc Bạch dương
Ảnh trong phim Tình khúc Bạch dương

Câu chuyện kéo dài suốt 30 năm cho đến hiện tại. Bộ phim Tình khúc Bạch dương (dài 36 tập) là một dự án đặc biệt được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam ấp ủ tới 7 năm, đã tái hiện chân thực cuộc sống người Việt ở Nga.

Cuộc chơi hết mình của VFC

Mất 7 năm ấp ủ, hơn 3 tháng tổ chức các cảnh quay tại các thành phố lớn của Nga như Moscow, St. Petersburg, Krasnodar, Tula… và nhiều tháng để thực hiện cảnh quay tại Pháp, Việt Nam… dự án phim Tình khúc Bạch dương được xem là cuộc chơi hết mình của VFC.

Là người theo sát dự án phim dài 36 tập này từ những ngày đầu tiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, cho biết: “Tình khúc Bạch dương là một dự án được chúng tôi ấp ủ từ rất sớm. Tuy nhiên, quá trình khảo sát, viết kịch bản cũng như những sự chuẩn bị khác cho phim lại gặp rất nhiều khó khăn. Ê kíp sản xuất phim không cho phép được chủ quan, dễ dãi, vì bộ phim là câu chuyện kể về nhiều thế hệ du học sinh tại Liên Xô những năm 70-80 của thế kỷ trước và giai đoạn đất nước Nga trải qua nhiều biến cố. Phim không chỉ là những ký ức về chuyện tình yêu nhẹ nhàng, nhiều thăng trầm, mà còn thể hiện được cách chia sẻ của những con người cùng dành tình yêu sâu đậm cho nước Nga”.

Phim không chỉ đầu tư về tiền bạc, nhân lực mà còn nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tâm của nghệ sĩ, diễn viên, của những người yêu nước Nga… Đoàn phim cùng gần 3 tấn thiết bị đã di chuyển hàng ngàn cây số qua nhiều thành phố của Nga. Để thực hiện những cảnh mang hình ảnh đặc trưng 4 mùa của xứ sở Bạch dương, đoàn đã trở lại Nga nhiều lần.

Đội ngũ thiết kế mỹ thuật gồm cả người Việt và người Nga đã phải đầu tư nhiều công sức để tạo nên “không khí Liên Xô” từ trang phục, đạo cụ và đặc biệt là việc phục dựng hoàn toàn phần nội cảnh các tốp sinh viên, công nhân, những cửa hàng ký gửi, các vật dụng như nồi áp suất, bàn là, quạt, áo phông, quần bò… Trong phim, khán giả sẽ thấy lại hình ảnh các du học sinh, công nhân Việt Nam sang Liên Xô (cũ) học tập, lao động.

Tình khúc Bạch dương đem đến cho khán giả những cảm nhận, rung động hoàn toàn khác lạ, lắng đọng và suy ngẫm. Những cảnh quay khơi gợi ký ức đẹp đẽ và kỷ niệm lãng mạn khó quên của nhiều thế hệ người Việt đã và đang sinh sống, gắn bó với nước Nga. Những cảnh quay cố đô Saint Peterburg say đắm lòng người với dãy phố đượm màu thời gian, những mái vòm nhà thờ đặc trưng cho chính thống giáo, dòng Neva thơ mộng chảy quanh thành phố trong bóng chiều tà, cung điện mùa hè với những đài phun nước và tượng đài điêu khắc tuyệt tác vàng lấp lánh trong ánh thu cùng màu xanh biếc của mặt hồ phẳng lặng, cánh rừng bạch dương tán lá phủ vàng trùm lên những con đường ngập nắng… Bộ phim còn khiến khán giả ấn tượng sâu đậm hơn với những ca khúc về một thời thanh niên sôi nổi đã vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam.

Đồng hành cùng đoàn làm phim, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nga, cũng thẳng thắn nhận xét, bộ phim đã khắc họa chân thực đúng bản chất của những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga, thực tế rất vất vả nhưng cũng rất đẹp.

Quy tụ dàn diễn viên hai miền Nam - Bắc

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định, toàn bộ VFC đã dốc tâm huyết vào dự án này. Phim có hai đạo điễn đều là hai nhân vật “khủng”, đó là Vũ Trường Khoa - người đã làm nên thành công cho Sống chung với mẹ chồng và Nguyễn Mai Hiền - một trong hai đạo diễn của “bom tấn” Người phán xử đã cùng nhau bắt tay thực hiện Tình khúc Bạch dương.

Phim được chia làm 2 giai đoạn nên có cả sự xuất hiện của dàn diễn viên trẻ đang được yêu mến như Bình An, Huỳnh Anh, Nhã Phương, Minh Trang, Quang Tuấn… cùng nhiều diễn viên ưu tú, tên tuổi đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ khán giả như Thanh Mai, Chi Bảo, Lê Vũ Long, Hoa Thúy, Công Lý, Kiều Anh...

Không chỉ nhân sự tốt, máy móc tốt mà tinh thần làm việc cũng tốt, đạo diễn Đỗ Minh Hải chia sẻ: “Không ai bắt chúng tôi làm việc tới 12 giờ đêm, nhưng chúng tôi đã nhiều ngày làm việc như vậy. Chi Bảo, Vũ Long cùng ê kíp không ai phàn nàn nửa lời khi phải đợi tới quá nửa đêm chỉ để quay cảnh cầu mở trên sông Neva ở Saint Peterburg. Khi ấy, nghệ sĩ mặt mũi thì tươi cười đầy cảm xúc nhưng hai đầu gối thì thi nhau đánh nhịp bởi thời tiết xuống âm độ…”.

Sau nhiều năm mới trở lại phim trường, Thanh Mai rất tâm đắc với vai diễn nhân vật đa chiều: Đẹp, thông minh, sắc sảo, quyết liệt, nhưng cũng đầy tình người. “Kịch bản quá hay. Tôi cứ đọc là lại khóc nên đã tránh đọc kịch bản để cảm xúc không bị chai khi diễn. Anh em chúng tôi bảo nhau, đã kéo đến tận đây làm phim thì phải làm cho tốt, để sau này không tiếc...”. Diễn viên Chi Bảo cũng không giấu được xúc động khi bộ phim đóng máy và ra mắt khán giả truyền hình. Thậm chí, anh còn thổ lộ: “Khi phim đóng máy, chuyển sang hậu kỳ, tôi thấy mình đuối bởi trách nhiệm quá lớn khi gật đầu tham dự”.

Nhiệt tâm, thăng hoa của nghệ sĩ được kỳ vọng sẽ đem đến cho Tình khúc Bạch dương nhiều màu sắc thâm trầm nhưng mạnh mẽ và duyên dáng. Đây sẽ là bộ phim không thể bỏ qua với bất kỳ khán giả nào, đặc biệt là những ai đã, đang yêu và gắn bó với đất nước Nga.

Tình khúc Bạch dương lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình khúc Lavanda do các nhà văn FBKN (nhóm cựu sinh viên khoa Nga trên facebook), là câu chuyện về một chặng đường đời kéo dài gần 30 năm, từ cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 2010.
Nhân vật chính là 3 sinh viên Quyên, Vân và  Hùng; song hành với họ là chàng trai Quang mang biệt danh Kỵ sĩ Bắc cực - lưu học sinh tại Liên Xô. Câu chuyện tình yêu của họ bao gồm những thăng trầm theo biến thiên thời cuộc gắn với Liên Xô, nước Nga và đời sống của người Việt tại nước Nga.

Tin cùng chuyên mục