Tình hình đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng

Thông tin tại buổi họp báo về tình hình đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tổng số đại biểu tham dự là 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Họp báo trước khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Họp báo trước khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 22-1, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng đã tổ chức họp báo trước khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Tham dự có 500 phóng viên trong và ngoài nước tham dự họp báo trực tuyến.

Thông tin tại buổi họp báo, về tình hình đại biểu dự đại hội, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tổng số đại biểu tham dự là 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%; đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang chiếm tỷ lệ 0,19%; đại biểu là Nhà giáo ưu tú chiếm tỷ lệ 0,82%; đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú chiếm tỷ lệ 0,95%.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đại biểu là Giáo sư, Phó Giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; thạc sĩ chiếm tỷ lệ 54,69%; đại học chiếm tỷ lệ 32,77%. Về trình độ lý luận chính trị, đại biểu có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm tỷ lệ 99,49%; Trung cấp chiếm tỷ lệ 0,38%; Sơ cấp chiếm tỷ lệ 0,13%. Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.

Tại buổi họp báo, các ý kiến tập trung vào vấn đề nhân sự của đại hội Đảng, nhất là các trường hợp nhân sự đặc biệt; xử lý các thông tin xấu độc trên mạng liên quan đến các vấn đề đại hội; vấn đề xây dựng Đảng…

Tình hình đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng ảnh 1 Các phóng viên tại buổi họp báo chiều 22-1. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trả lời báo chí về vấn đề xử lý thông tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, càng đến gần Đại hội càng nhiều thông tin, những tháng gần đây tăng 50% so với những tháng cuối năm 2019. Tuy nhiên, so với đại hội trước, chúng ta đã xử lý tốt hơn vì chúng ta có hành lang pháp luật về an ninh mạng; các nền tảng cũng tốt hơn, công cụ kỹ thuật tốt hơn và đặc biệt nhận thức của người dân đã tốt hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, cách đây gần 2 năm, Bộ đã thành lập trung tâm xử lý về thông tin xấu độc trên mạng, do đó góp phần giám sát, rà soát và xử lý tốt hơn. Sự phối hợp giữa Bộ Thông tin-Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất tốt trong vấn đề xử lý.

“Tổng cộng chúng ta đã xử lý 35.000 tin bài là thông tin xấu độc trên mạng, do đó môi trường mạng lành mạnh hơn. Càng gần đến Đại hội, chắc chắn sẽ có những diễn biến mới, do đó, các lực lượng xử lý thông tin xấu độc trên mạng vẫn ứng trực 24/24”, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết.

Liên quan đến phương án phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, tất cả các đại biểu và những người tham gia các đầu việc liên quan đến đại hội đều đã được xét nghiệm Covid-19 lần 1, tất cả đều âm tính, sẽ tiếp tục xét nghiệm lần 2 trước khi đại hội diễn ra. Ngành y tế cũng dự phòng trường hợp có ca nhiễm để sẵn sàng ứng phó.

Về vấn đề nhân sự cho Đại hội XIII, đồng chí Mai Văn Chính cho biết đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đã chuẩn bị kỹ ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ; kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong cán bộ. Chúng ta cũng đã tổng kết công tác quy hoạch cán bộ, gắn với công tác đào tạo, sau khi quy hoạch đã mở 5 lớp đào tạo cán bộ… Nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự đã được Bộ Chính trị, Trung ương làm rất khách quan, bài bản, kỹ lưỡng, chặt chẽ từng bước, từng khâu. Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.

Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 đồng chí, trong đó 180 Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết. Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

“Chuẩn bị số dư là 10-15%, ra đại hội đề cử thêm nhưng số dư không quá 30%” đồng chí Mai Văn Chính cho biết.

Về cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, với số lượng 200 người, trong đó ủy viên chính thức là 180; có 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50-60, từ 61 tuổi trở lên. Phấn đấu dưới 50 tuổi khoảng 15-20%; từ 50 đến 60 tuổi khoảng 70%; 61 tuổi trở lên trên dưới 10%. Ban Chấp hành Trung ương có số cán bộ trẻ khoảng trên 10%, nữ khoảng 12%..

Với trường hợp nhân sự đặc biệt, theo đồng chí Mai Văn Chính, xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước… Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII. Về việc có sửa đổi Điều lệ Đảng hay không, đồng chí Mai Văn Chính khẳng định sẽ do Đại hội quyết định.

Về nhân sự, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói thêm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị bài bản, thận trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó và đạt được sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Về các chức danh lãnh đạo và sửa điều lệ Đảng, có những nội dung thuộc thẩm quyền chuẩn bị của Ban Chấp hành Trung ương nhưng quyết định là do Đại hội và có những nội dung lại thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. 

Lần này, Trung ương chuẩn bị cho các nhóm trường hợp rất chặt chẽ. Đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước; tái cử làm trước; ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Rồi tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt… Sau đó là với những trường hợp đặc biệt về độ tuổi ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương. "Còn cụ thể thế nào, danh sách đó là ai, chúng tôi sẽ thông báo với báo chí vào thời điểm thích hợp", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. 

Về công tác phòng chống tham nhũng, các ý kiến trả lời họp báo đều nhấn mạnh nhiệm kỳ tới tiếp tục làm mạnh, không có vùng cấm. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhắc lại: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đây là cuộc đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng và trên tất cả các lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục