Tỉnh Bình Thuận thêm mới 3 đơn vị hành chính cấp xã

Sáng 4-10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Chỉnh cho biết, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện của tỉnh là 10 ĐVHC (gồm 1 thành phố; 1 thị xã và 8 huyện). Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Bình Thuận có 127 ĐVHC (gồm 96 xã; 19 phường và 12 thị trấn).

Tỉnh Bình Thuận thêm mới 3 đơn vị hành chính cấp xã ảnh 1 Quang cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh: THANH TUẤN

Qua rà soát hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh Bình Thuận không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, bắt buộc phải sắp xếp.

Tỉnh Bình Thuận đề nghị giữ nguyên hiện trạng 10 ĐVHC cấp huyện ổn định từ năm 2005 đến nay, phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận đề xuất sáp nhập theo diện khuyến khích 6 ĐVHC cấp xã (5 xã và 1 thị trấn) để thành lập 3 ĐVHC cấp xã mới.

Cụ thể, sáp nhập thị trấn Phan Rí Cửa và xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong để thành lập thị trấn Phan Rí Cửa; sáp nhập xã Măng Tố và xã Đức Tân, huyện Tánh Linh để thành lập xã Măng Tố; sáp nhập xã Đức Chính và xã Nam Chính, huyện Đức Linh để thành lập xã Nam Chính.

Như vậy, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh Bình Thuận sẽ giảm 3 ĐVHC cấp xã, gồm: xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong; xã Đức Tân, huyện Tánh Linh; xã Đức Chính, huyện Đức Linh.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Chỉnh cũng cho biết, sau khi sắp xếp, các ĐVHC mới sẽ củng cố kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và điều lệ của các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

Đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã của ĐVHC mới, Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo UBND các huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo thẩm quyền. Các thôn, khu phố được giữ nguyên hiện trạng từ các ĐVHC cũ nên số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố được bố trí lại theo hiện trạng và theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận dự kiến phương án sắp xếp đối với cán bộ (28 người), dự kiến bố trí công tác ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện: 8 người; bố trí công tác ở các xã, thị trấn khác: 1 người; nghỉ hưu: 2 người; giải quyết chế độ: 12 người; tiếp tục bố trí chờ giải quyết theo lộ trình: 5 người…

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Chỉnh cũng khẳng định, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp, bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, ngay khi có chủ trương về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh làm công tác tuyên truyền rất tốt, vì vậy, ý kiến thống nhất của cử tri và HĐND các cấp rất cao.

Về phương án giải quyết chế độ đối cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, phương án sử dụng công sản, tỉnh Bình Thuận tiếp thu và hoàn thiện ngay sau cuộc họp để đảm bảo thời gian trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lãnh đạo tỉnh này cũng cho hay, sẽ tiến hành thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã ngay sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu. Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư ngay trong năm 2019. Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Bình Thuận.

Tin cùng chuyên mục