Tín hiệu mừng cho rau, hoa Đà Lạt

Sau một thời gian chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận đang dần được khôi phục. Những dấu hiệu tích cực từ thị trường đã tạo động lực để người dân yên tâm ổn định sản xuất.
Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đà Lạt dần hồi phục
Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đà Lạt dần hồi phục

Nối lại thị trường

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoa Đà Lạt sản xuất ra dù sản lượng cao nhưng không tiêu thụ được. Đặc biệt, trong tháng 3 và 4-2020, lượng hoa tiêu thụ của nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ đạt khoảng 20% - 30%. Sản lượng tiêu thụ hoa giảm mạnh do các lễ hội, hội nghị, chương trình hoạt động đều bị hủy và các nhà hàng, khách sạn cũng trong tình trạng tạm ngưng hoạt động. Riêng giai đoạn thực hiện cách ly xã hội, 90% sản lượng hoa của tỉnh Lâm Đồng không tiêu thụ được, khiến nông dân buộc phải tiêu hủy tại vườn vì lợi nhuận bán ra không đủ trả chi phí. 

Đối với các mặt hàng rau Đà Lạt cũng lâm vào cảnh tương tự khi nhiều chuỗi liên kết, các mối hàng bị “đứt gánh” do giãn cách xã hội. Ngoài một số mặt hàng như khoai tây, cà chua, cà rốt ít bị ảnh hưởng do bảo quản được lâu, còn phần lớn các loại rau ăn lá bị tác động mạnh mẽ. Có thời điểm rau Đà Lạt thấp kỷ lục, khiến nhà nhà, người người chạy khắp nơi để có thể bán được từng bịch rau. Chị Nguyễn Thị Loan (phường 7, TP Đà Lạt), cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3 sào (3.000m2) trồng các loại rau. Thời điểm giãn cách xã hội đúng lúc thu hoạch rau xà lách cuộn nên khi các mối hàng ngừng nhận, cả nhà tôi vừa thu hoạch vừa lên mạng xã hội rao bán, có lúc chỉ với giá 5.000 đồng/kg và giao tận nhà người mua số lượng trên 5kg”. Chị Loan cho biết thêm, khoảng 1 tháng trở lại đây, nhu cầu rau trên thị trường đã ổn định trở lại, giá các mặt hàng rau cũng tăng đáng kể, giúp người trồng rau ở Đà Lạt yên tâm xuống giống vụ mới.

Vừa nối lại thị trường xuất khẩu rau sang Hàn Quốc, trang trại rau Trường Phúc (TP Đà Lạt) đang hối hả xuống giống sản phẩm rau thủy canh cho đơn hàng 30 tấn kịp giao trong tháng 7 và tháng 8. Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, chia sẻ: “Khôi phục được thị trường xuất khẩu giúp chúng tôi yên tâm hơn, vì có những thời điểm rau không bán được do các chuỗi tiêu thụ giảm mạnh lượng mua. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi thúc đẩy mạnh kênh bán hàng online, tiêu thụ tới 40% sản lượng. Dù chưa khôi phục được thị trường tiêu thụ đạt mức trước dịch bệnh, nhưng mỗi ngày chuỗi liên kết của công ty tiêu thụ hơn 1 tấn rau các loại.

Đó cũng là dấu hiệu giúp bà con ổn định sản xuất trở lại. Qua đợt dịch bệnh này, chúng tôi tiếp tục củng cố, đẩy mạnh sản xuất theo đơn đặt hàng từ các nhà phân phối để giảm thiểu rủi ro từ thị trường”. Hiện với 3ha rau và hơn 14ha liên kết với các hộ dân sản xuất 30 loại rau xanh, củ, quả thực phẩm khác, như: cà rốt baby, súp lơ xanh baby, các loại rau xanh ăn lá, củ quả… trang trại này đang phân phối cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải dài từ Nam ra Bắc.

Còn theo anh Trần Văn Khương, chủ trang trại sản xuất giống hoa tại làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt), sau giai đoạn giãn cách xã hội, việc sản xuất hoa cơ bản đã hồi phục, nhất là nhu cầu về giống hoa tại các vùng miền bắt đầu tăng trở lại. “Những tuần cao điểm, chúng tôi xuất bán được 400.000 cây giống hoa cúc, thu về khoảng 60 triệu đồng”, anh Phương phấn khởi cho biết.

Ổn định sản xuất

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, giá các mặt hàng thuộc nhóm rau ăn lá tăng mạnh nhất từ 56% - 68% so với thời gian cách ly xã hội. Nhóm rau ăn quả tăng nhẹ 18% - 35%. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, kế hoạch sản xuất năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh sẽ không bị tác động nhiều, trong đó diện tích gieo trồng rau 68.255ha, sản lượng 2,5 triệu tấn; hoa 9.375ha, sản lượng 3,68 tỷ cành. 

Mới đây, tại buổi làm việc với Hiệp hội Hoa Đà Lạt và các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh để tái cấu trúc sản xuất phù hợp sau dịch bệnh. Trong đó, từng bước giảm dần hoa cắt cành, tăng sản xuất hoa chậu, hoa dài ngày. Đẩy mạnh sản xuất cây giống. Về lâu dài, Lâm Đồng đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất hoa chuyên canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hoa Đà Lạt, hỗ trợ tín dụng nông nghiệp; nghiên cứu nhập nội, lai tạo, chọn lọc, mua bản quyền giống. Đồng thời, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, tăng cường hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Qua theo dõi, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhận định, hiện sản phẩm rau, hoa tại địa phương đã bắt đầu khởi động sản xuất, kinh doanh trở lại, tuy nhiên so với mức tiêu thụ ở điều kiện bình thường đạt khoảng 60% - 70%. Một số sản phẩm rau, hoa giá tăng cao như rau xà lách tăng gấp 2 lần (giá hiện tại khoảng 25.000đ/kg); giá hoa cúc, đồng tiền, ly ly đã có sự nhích lên do nguồn cung hụt và nhu cầu tiêu dùng tăng lên từ cuối tháng 5 đầu tháng 6-2020. Giá hoa cúc chùm 7.000 đồng/bó (tăng 1.000 đồng/bó); hoa cúc cành 15.000 đồng/chục (tăng 3.000 đồng/chục); hoa lay ơn 22.000 đồng/chục (tăng 2.000 đồng/chục); hoa đồng tiền 16.000 đồng/chục, hoa hồng đỏ và màu các loại 16.000 - 18.000 đồng/chục (đều tăng 4.000 đồng/chục); hoa lily Sorbone và Concador 50.000 - 55.000 đồng/bó (tăng 5.000 đồng/bó so với những tuần trước đó)…

Tin cùng chuyên mục