Tín hiệu mang lại niềm tin

Từ hôm nay 10-7, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các mức lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 0,25%/năm. 
Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5% xuống 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% xuống 4,25%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 7,5% xuống 7,25%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9-2016, một số TCTD đã giảm 0,3% - 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5% - 1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện ở mức từ 6% - 11%/năm, đã giảm khá mạnh và chỉ bằng 40% so với cuối năm 2011. 
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đây vẫn là mức lãi suất khá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Chính vì thế, trong thời gian qua Quốc hội và Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu ngành ngân hàng phải tìm các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phát triển sản xuất kinh doanh.
Tất nhiên, để giảm được lãi suất không phải là điều dễ dàng bởi cơ quan quản lý cần phải cân nhắc nhiều yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, khối nợ xấu rất lớn trong hệ thống cũng luôn gây áp lực lên lãi suất. Có lẽ vì thế mà phải đến sau hơn 3 năm (kể từ tháng 3-2014), Ngân hàng Nhà nước mới áp dụng đến giải pháp cắt giảm lãi suất điều hành. Và mức giảm chỉ 0,25%, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, là mức điều chỉnh được cân nhắc thận trọng. Điều này là cần thiết bởi lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, nhưng kỳ vọng của lạm phát vẫn ở mức cao.
Về lý thuyết, lãi suất điều hành giảm nghĩa là lãi suất bơm vốn Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại sẽ thấp hơn, giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu lâu nay không có nhiều hiệu lực trong ảnh hưởng đối với lãi suất thị trường. Hơn nữa, mức giảm 0,25% là khá khiêm tốn so với các mức lãi suất điều hành hiện nay (4,5% - 7,5%/năm). Mặc dù vậy, quyết định giảm các lãi suất điều hành lại có giá trị tín hiệu, khởi đầu kỳ vọng về giai đoạn nối tiếp thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, sau khi mặt bằng chung đã giảm được về vùng thấp trước những năm 2006-2007.
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Hoàng Ngân nhận xét: “Việc giảm lãi suất đầu tiên là mang lại niềm tin cho thị trường và đó là điều quan trọng nhất. Còn tác động ra sao thì phải chờ độ trễ”. Cũng theo chuyên gia này, khi lãi suất điều hành giảm, các ngân hàng sử dụng trái phiếu đặc biệt VAMC để vay vốn lại từ Ngân hàng Nhà nước sẽ có chi phí thấp đi. Từ đó chi phí mà các ngân hàng cho vay với nền kinh tế cũng giảm theo, góp phần thúc đẩy cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển thì tất cả các chủ thể từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng đều có lợi. Tác động trực tiếp nhất của lần giảm lãi suất này nằm ở 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Mặc dù trần lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ 5 lĩnh vực này chỉ giảm 0,5%/năm nhưng là tín hiệu tích cực để hỗ trợ các ngành sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tín hiệu chính sách đã được phát ra, vấn đề hiện nay được chờ đợi là sự vào cuộc, hành động nhanh của các nhà băng để rút ngắn độ trễ chính sách trong thực tế. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Có như vậy, quyết định giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước mới thực sự trở thành cú hích quan trọng, tạo nền tảng để giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Tin cùng chuyên mục