Tín hiệu lạc quan từ quan hệ Nga - Ukraine

Nga vừa thông báo sẽ trả lại các tàu hải quân cho Ukraine. Những tàu này bị phía Nga bắt giữ tháng 11-2018 khi đi qua eo biển Kerch để vào biển Azov.

Thông tin này diễn ra sau khi Nga xác nhận chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ukraine với sự tham dự của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức sẽ diễn ra tại Normandy (Pháp) trong tháng 12 để bàn về việc chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tín hiệu lạc quan từ quan hệ Nga - Ukraine ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến gặp nhau tại Pháp trong tháng 12
Cơ hội cho hòa bình 

Hải quân Ukraine ngày 18-11 xác nhận Nga đã trả lại 3 chiếc tàu chiến của Kiev bị Moscow bắt giữ tại Eo biển Kerch hồi tháng 11-2018 và cho biết những chiếc tàu này đang di chuyển về Ukraine. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã trao trả Ukraine 3 chiếc tàu trên.

24 thủy thủ Ukraine bị bắt tại thời điểm đó đã được trả lại cho Ukraine hồi tháng 9 như một phần của một cuộc trao đổi. Cuối tuần qua, Tổng thống Pháp đã công bố thông tin về hội nghị thượng đỉnh 4 bên Pháp, Đức, Nga và Ukraine tại Paris vào ngày 9-12 để thảo luận về các cách để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hội nghị thượng đỉnh diễn ra nhờ “những tiến bộ lớn” kể từ khi ông Volodymyr Zelensky được bầu làm Tổng thống Ukraine vào cuối tháng 4. Cố vấn điện Kremlin Yuri Yushakov cho biết, các bên vẫn đang thảo luận về ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh 4 bên nhưng “chắc chắn diễn ra trong năm 2019”.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Zelensky đã tìm cách khôi phục tiến trình hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột ly khai kéo dài 5 năm ở miền Đông Ukraine khiến 13.000 người thiệt mạng. Kể từ tháng 10, quân đội Ukraine và phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine đã rút khỏi các khu vực tiền tuyến quan trọng của cuộc xung đột ở đó, điều kiện tiên quyết cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Thời điểm tốt

Tờ Japan Times của Nhật Bản cho rằng, Ukraine là trung tâm của trận chiến địa chính trị Đông-Tây, nhưng họ cảm thấy ngày càng cô đơn và bị Washington bỏ rơi trong bối cảnh cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump đang diễn ra. Sự xói mòn trong quan hệ giữa Washington và Kiev khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tự tìm con đường cho mình thông qua cuộc đàm phán cấp cao vào tháng tới với Tổng thống Nga Vladimir Putin để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột chết chóc ở miền Đông Ukraine. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các nhà đàm phán Ukraine, Nga và phe ly khai ở miền Đông Ukraine cũng đồng ý về một bản đồ dự kiến về tình trạng đặc biệt cho các lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành bầu cử tự do và công bằng theo hiến pháp Ukraine.

Người Ukraine ngày càng cảm thấy cuộc điều tra luận tội của Mỹ đang làm cho đất nước của họ trở nên bất lợi. Một thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine cho biết, các quan chức Mỹ đã cho thấy sự thờ ơ ngày càng tăng đối với Ukraine. Điều này đặc biệt rõ ràng kể từ khi đặc phái viên của Mỹ tại Ukarine Kurt Volker từ chức vào tháng 9, dẫn đến sự biến mất của một trung tâm của Mỹ điều phối các vấn đề của Ukraine. Japan Times nhận định, Moscow đã lấp đầy khoảng trống, củng cố thêm vị trí của Nga dọc theo chiến tuyến địa chính trị của châu Âu. Tờ này cho biết thêm, các thông điệp lẫn lộn gửi đến Ukraine từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang gây tổn hại đến uy tín ngoại giao của Mỹ tại thời điểm ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Mỹ đang suy yếu.

Mykola Sunhurovskyi, người đứng đầu các chương trình quân sự tại Trung tâm Razumkov, một nhóm chuyên gia tư vấn độc lập có trụ sở tại Kiev cho biết, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ không nhất quán khi giữ lại khoảng 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy việc thúc giục Ukraine điều tra các cáo buộc tham nhũng của con trai ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Điều này dẫn đến cuộc luận tội nhắm vào ông Donald Trump.

Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama viện trợ thiết bị quân sự không gây chết người cho Ukraine, bao gồm radar phản lực, thiết bị nhìn đêm và các vật dụng y tế. Tuy nhiên, chính quyền của ông Donald Trump năm 2017 đã đồng ý cung cấp vũ khí gây chết người và cam kết bán 47 triệu USD tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev. Tuy nhiên, quan hệ giữa Kiev và Washington vẫn xuống mức thấp.

Tin cùng chuyên mục