Tin giả trỗi dậy trước mùa bầu cử

Mạng trực tuyến Avaaz chuyên giám sát tự do bầu cử và thông tin bầu cử ngày 6-11 công bố báo cáo cho thấy người dùng Facebook tại Mỹ đang bị bủa vây bởi vô số thông tin chính trị sai lệch trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống quốc gia này còn một năm nữa mới diễn ra.
Tin giả trỗi dậy trước mùa bầu cử

 Avaaz tiến hành phân tích 100 bài đăng tin giả mạo về chính trị Mỹ được lan truyền trên Facebook trong khoảng 10 tháng tính đến ngày 31-10 và phát hiện ra những thông tin giả mạo có hơi hướng chính trị này nhận được hơn 158 triệu lượt xem. Kết quả này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi Avaaz mới chỉ phân tích những bài đăng đã được kiểm chứng và phát hiện bởi những tổ chức kiểm chứng có uy tín.

Qua đó, Avaaz kêu gọi tiếp tục phân tích về hoạt động lan truyền thông tin giả mạo trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và WhatsApp để có cái nhìn toàn cảnh về tình trạng lan truyền thông tin sai sự thực trước thềm bầu cử tổng thống tại Mỹ. Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác cần áp dụng quy trình trong đó các bên kiểm chứng phải đảm bảo người dùng đã tiếp xúc với những thông tin sai lệch được lưu ý và cung cấp thông tin đính chính. Ông Fadi Qurur, giám đốc chiến dịch của Avaaz cho rằng đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề tin tức giả mạo của Facebook. Theo ông Qurur, Facebook có thể dễ dàng tiếp cận mọi cử tri ở đất nước này và “các công cụ của họ đang thúc đẩy một làn sóng chính trị dối trá khiến chúng ta ít được biết đến và bị phân cực hơn”.

Avaaz cho rằng các biện pháp Facebook áp dụng thời gian qua hầu hết đều không giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng lan truyền thông tin sai sự thực. Vì vậy tổ chức này lo ngại nếu không có hành động tức thời và kiên quyết, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn tin giả mạo tương tự cuộc bầu cử năm 2016. Theo trang web về công nghệ VentureBeat (trụ sở tại San Francisco, California, Mỹ), trong những tuần gần đây, Facebook đã chịu áp lực gia tăng trong việc điều chỉnh quảng cáo thông tin chính trị sai lệch hoặc gây hiểu lầm trên nền tảng này. Trong khi Twitter gần đây tuyên bố sẽ cấm quảng cáo chính trị vào cuối tháng 11, Facebook đã kiên quyết khẳng định sẽ tiếp tục chạy quảng cáo chính trị bất kể thông tin đó có chính xác hay không.

Hồi tháng 5, một báo cáo của Avaaz có tên là Fake Fakewatch đã xác định 500 trang và nhóm đáng ngờ liên quan đến các tổ chức cánh hữu và chống Liên minh châu Âu (EU) đang lan truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5-2019.

Về phía Công ty Facebook, họ cho biết đã đầu tư lớn cho các giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng nền tảng này để can thiệp bầu cử hoặc lan truyền thông tin giả mạo. Mạng xã hội này khẳng định đã huy động 40 đội làm việc chỉ tập trung bảo vệ các cuộc bầu cử để giảm thiểu thông tin sai lệch, nội dung có hại cũng như gỡ bỏ những thông tin không chính xác hoặc các nội dung vi phạm quy định cộng đồng. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu gần đây, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã bảo vệ nền tảng này như một thành phần quan trọng của tự do ngôn luận, cho rằng: “ngay cả lời nói sai lệch và thông tin sai lệch cũng là một phần trong việc bảo vệ các quyền tự do đó”.

Tin cùng chuyên mục