Tìm về những danh tác quý hiếm

Một trong những xu hướng làm sách của năm 2022 mà giới chuyên môn dự báo chính là tiếp tục in lại những tác phẩm cũ ở trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt, một số đơn vị nỗ lực tìm tòi và cho ra mắt những tác phẩm chưa được xuất bản hoặc từng được in nhưng đã trở nên xa lạ với độc giả ngày nay. 

 Bất ngờ với Thâm Tâm 

Trong xu hướng tìm về những danh tác xưa, Thâm Tâm có lẽ là trường hợp tạo nhiều bất ngờ cho bạn đọc ngày nay. Bởi lẽ, ông định hình trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc với danh xưng là nhà thơ, gắn liền với thi phẩm Tống biệt hành. Truyện ngắn Thâm Tâm (Sbooks và NXB Văn học) vừa được ra mắt, đủ để bạn đọc ngày nay hình dung về một Thâm Tâm của văn xuôi. 

Với nhiều bạn đọc ngày nay, không ít danh tác xưa lại là tác phẩm lần đầu được tiếp cận
So với bản in năm 2000 (do PGS-TS Văn Giá và bà Nguyễn Thanh Hương sưu tầm, tuyển chọn) đã trở nên hiếm hoi, ấn phẩm Truyện ngắn Thâm Tâm lần này bổ sung 7 truyện ngắn, in kèm phần phụ lục 5 kịch ngắn đã in trên Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1939 đến năm 1944. Sự bất ngờ về Thâm Tâm chưa dừng ở đó, khi cùng lúc Truyện vừa Thâm Tâm (NXB Quân đội Nhân dân) cũng được trở lại, ngoài các truyện Bọn trẻ tàn tật, Gánh hát sử Nam, Người giữ ngựa, Tiếng mùa xuân còn có 4 truyện lịch sử: Người Giao Chỉ, Bố - Cái, Chim làm tổ và Rồng trong bộ Giòng máu sông Hồng. 

Sau thời gian sưu tầm và biên soạn, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Người câm biết nói (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Nam Cao. Sách tập hợp khoảng 20 truyện ngắn, tuy đã được công bố lúc nhà văn còn sống nhưng lại chưa được đưa vào các tuyển tập hay toàn tập của Nam Cao từ lúc ông mất đến nay. 

Nằm trong xu hướng giới thiệu trở lại những danh tác xưa, thông qua tủ sách Văn chương và Mỹ thuật, Công ty sách Đông A tìm đến những tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên. “Bởi vì về sau, có những bản in có thể đã được chính tác giả chỉnh sửa. Chúng tôi hy vọng và mong muốn độc giả sẽ được đồng cảm với những cảm xúc chân thực và nguyên sơ nhất của tác giả”, anh Đạt Nhân, biên tập viên Công ty sách Đông A, chia sẻ.

Một cách giữ gìn di sản văn chương 

Ra đời vào cuối tháng 12-2021, tủ sách Văn chương và Mỹ thuật đã giới thiệu đến bạn đọc hai ấn phẩm gồm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng (tái bản từ bản in lần đầu năm 1972) và Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng (tái bản từ bản in lần đầu năm 1938). Mỗi tác phẩm sẽ do một họa sĩ đảm nhận minh họa.  

Theo chia sẻ của đại diện Đông A, năm nay, ngoài tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao và Thạch Lam, đơn vị này sẽ giới thiệu đến bạn đọc tiểu thuyết Quả dưa đỏ của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, một trong hai tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. “Chúng tôi cũng đang trong quá trình tìm kiếm tập thơ Gái quê, bản in lần đầu tiên của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bản in này bây giờ rất hiếm, nếu tìm được, chúng tôi sẽ xuất bản và đương nhiên sẽ đầu tư cả phần minh họa”, vị này cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, với di sản sáng tác của Nam Cao, bên cạnh số truyện ngắn, tiểu thuyết đã và đang được lưu hành, vẫn còn một số lượng đáng kể những tác phẩm có nguy cơ mất hẳn, dù đã được công bố trên sách báo ngay lúc tác giả còn sống. Từ trường hợp của nhà văn Nam Cao, ông cho rằng, ở Việt Nam không hiếm những trường hợp tác gia văn học các giai đoạn khác nhau mà di sản sáng tác bị mai một, không đến được với công chúng độc giả và giới sáng tác, phê bình. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân bày tỏ: “Những mất mát ấy không chỉ là tổn thất riêng của thân nhân các tác gia quá cố, mà còn là mất mát, thiệt thòi chung cho công chúng độc giả, cho tài sản văn học chung của dân tộc. Vì vậy, tìm tòi lại các di sản bị mất mát vẫn là công việc nên làm, cần làm”.

Tác phẩm quan trọng của nhà văn Nhất Linh trở lại

Được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhắc đến Nhất Linh không thể không nhắc đến những tiểu thuyết như Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng… Tuy vậy, tác phẩm quan trọng của nhà văn Nhất Linh là Xóm Cầu Mới thì không phải độc giả nào cũng biết. Được viết từ năm 1949 đến năm 1957, xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào năm 1973 và tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ vào năm 2002, mãi đến gần đây, tác phẩm này mới được trở lại với độc giả trong nước do Phanbook liên kết với NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Tin cùng chuyên mục