Tìm về châu Á sau Brexit

Sau vòng đàm phán thứ tư kéo dài từ ngày 2 đến 5-6 về các thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào đáng kể, nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận đang dần hiện hữu.
Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-12-2020. Trong bối cảnh với quỹ thời gian còn rất hạn hẹp,  ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, vừa đưa ra tuyên bố: “London không nên là một trung tâm tài chính châu Âu sau Brexit”.

Báo The Telegraph của Anh ngày 10-6 dẫn nhận định của ông Michel Barn cho rằng: “Chúng ta phải tự hỏi liệu việc để Vương quốc Anh giữ vị trí nổi bật này có thực sự là lợi ích của EU không”. Theo trưởng đoàn đàm phán EU, Anh không nên được phép trở thành bước đệm vào thị trường EU hoặc trung tâm sản xuất cho khối này sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp trong năm nay. Anh cũng không nên giữ thị phần lớn của mình trên thị trường rộng lớn của EU để thử nghiệm hàng hóa trước khi đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Mất 20% thị phần đó có nghĩa là một quá trình nặng nề và tốn kém cho các doanh nghiệp Anh, nơi họ sẽ phải trả tiền cho các sản phẩm của mình để được chuyển đến EU thử nghiệm trước khi chúng có thể được xuất khẩu lại sang khối này. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Anh sẽ phải trả hàng tỷ bảng Anh cho EU nếu được tiếp tục tiếp cận vào thị trường chung và liên minh hải quan sau khi thời gian chuyển tiếp kết thúc vào tháng 12 tới. 

Sau nhiều thập niên “gia công” chính sách thương mại đối với EU, Vương quốc Anh dường như đang tìm kiếm các hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và hướng tới mục tiêu có các hiệp định bao trùm tới 80% thương mại của Anh vào năm 2022. Chế độ thuế quan mới, được áp dụng từ tháng 1-2021, đánh dấu sự khởi đầu của việc rời khỏi EU mà một số quan chức Anh gọi là rời khỏi một hệ thống EU quá phức tạp, đặt ra không gian riêng cho Anh khi đàm phán các thỏa thuận thương mại với cả Mỹ và khối EU có trụ sở tại Brussels.

Các chiến lược gia ở London dường như cũng đã dự đoán trước sự “hắt hủi” của EU. Ngày 5-6 Chính phủ Anh cho biết đã đề nghị trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nước này tìm cách tăng cường các mối quan hệ hậu Brexit trong khu vực. ASEAN hiện có 10 đối tác đối thoại, trong đó có EU - khối mà Anh đã rời khỏi vào cuối tháng 1, cũng như Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ. Anh bày tỏ hy vọng có được mối quan hệ đối tác với ASEAN, qua đó đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và hợp tác tại khu vực. Điều này sẽ mang lại những cơ hội mới ở nhiều lĩnh vực từ thương mại, giáo dục, khoa học tới an ninh.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố: “Khi mà tầm quan trọng của châu Á ngày một tăng, một nước Anh toàn cầu sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với những người bạn tại khu vực. Bằng cách trở thành một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, chúng tôi có thể tăng cường khả năng hợp tác khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như một hình mẫu tốt đẹp về tất cả các vấn đề, từ biến đổi khí hậu tới ổn định tại khu vực”.

Tin cùng chuyên mục