Tìm vật liệu thay thế cát xây dựng

Trước tình trạng giá cát tăng “phi mã”, nhiều ý kiến đề xuất tìm loại vật liệu mới để thay thế nguồn cát sông. Vậy loại vật liệu nào sẽ thay thế được cát tự nhiên trong tương lai? 
Trong tương lai, cát sông sẽ được thay thế bằng bùn nạo vét
Trong tương lai, cát sông sẽ được thay thế bằng bùn nạo vét
Khẩn trương tìm nguồn mới

Trong đợt “sốt” cát xây dựng thời gian gần đây, ngoài các công trình dân sinh, hàng loạt công trình trọng điểm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), quốc lộ 60 (Bến Tre), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang)... đã bị ảnh hưởng do thiếu cát xây dựng và giá cát đang tăng chóng mặt. Các đơn vị thi công tại những công trình này cho biết, giá cát tăng mạnh đang làm “đội giá”, gây gián đoạn dự án. Trước tình hình này, tại hội nghị về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại các quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, cửa sông, luồng lạch, khu vực cảng biển. Qua đó, làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát sỏi theo quy hoạch gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Tiếp nhận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng hỏa tốc gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn sử dụng cát tự nhiên có hiệu quả, tiết kiệm; đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên, sử dụng các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất một số giải pháp vật liệu thay thế cát tự nhiên. Cụ thể, sử dụng cát nghiền cho bê tông và vữa. Đây là hỗn hợp các hạt cốt liệu có kích thước 5mm thu được do đập hoặc nghiền từ các loại đá tự nhiên có cấu trúc đặc sắc. Cát nghiền có thể được sử dụng trong công trình xây dựng tùy theo thiết kế cấp phối và đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Về loại xỉ gang và xỉ thép: Xỉ gang (xỉ lò cao) và xỉ thép là phụ phẩm của quá trình sản xuất gang và thép tương ứng. Do đặc tính khác nhau của mỗi loại xỉ nên xỉ gang và xỉ thép có khả năng sử dụng trong phạm vi nhất định. Xỉ gang, xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng cần phải được thử nghiệm và đáp ứng theo quy định về kiểm soát chất lượng.

Nhiều loại thay thế 

TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, các dòng sông chảy vào đất nước hiện nay đều gánh trên mình những thủy điện phía đầu nguồn, đặc biệt ở Lào, Campuchia, lên xa phía Bắc có các thủy điện của Trung Quốc. Do thủy điện chắn nguồn nước nên lượng cát bổ sung cho các dòng sông bị hạn chế, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái và nguồn cát. “Thiếu hụt cát trong khi nhu cầu về xây dựng ngày càng tăng. Đây là vấn đề khó khăn mà các nước phát triển khác trên thế giới cũng gặp phải”, TS Thanh nhận định. Trước thực trạng này, hiện các nhà khoa học đang nghĩ ra nhiều cách để tìm nguồn vật liệu mới thay thế cát. Trong đó, việc xây dựng các nhà máy nghiền đá ra sản phẩm nhỏ, hình dạng như cát, sau đó bán ra thị trường với kinh phí chấp nhận được. “Cát nghiền là sản phẩm được tạo ra từ đá. Trong quá trình nghiền đá sẽ tạo ra rất nhiều loại hạt, nếu phối trộn giữa cát nghiền với cát sông theo tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra được hỗn hợp phù hợp với quy chuẩn cho xây dựng”, PGS-TS Trần Văn Miền, Trưởng Bộ môn Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, phân tích thêm. Theo tính toán, giá thành sản xuất đá xay chỉ bằng 1/2 giá cát xây dựng đang bán trên thị trường hiện nay. Giải pháp tối ưu là trộn chung đá xay và cát xây dựng với tỷ lệ đá xay chiếm khoảng 30% - 40%, vì đá xay không thể thay thế hoàn toàn cát xây dựng.

Ngoài ra, các nhà khoa học đặc biệt chú ý cách tận dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Bởi các nước trên thế giới đã tận dụng, chế biến tro xỉ thành cát từ cách đây hàng chục năm. “Ở nước ta hiện có khoảng 19 nhà máy nhiệt điện, trung bình mỗi năm xả ra khoảng 20 triệu tấn xỉ. Số liệu thống kê cho thấy, chúng ta chưa sử dụng có lợi khoảng 1/2 số tro xỉ ấy. Trong khi đó, nước Pháp và Đức đã tận dụng được 50% -70% số lượng tro xỉ thải ra. Nhiều nhất là nước Nga, mỗi năm các nhà máy nhiệt điện xả ra trên 50 triệu tấn. Điều đặc biệt của tro xỉ là chi phí nguồn vật liệu gần như cho không, chủ yếu là tính công chi phí vận chuyển, xử lý tro xỉ”, TS Thanh dẫn chứng.

Ở các nước như Nhật Bản và Trung Quốc, do thiếu hụt cát sông, họ còn tận dụng khai thác bùn nạo vét các tuyến kênh rạch để chế tạo ra cát. Họ bỏ tiền xây dựng các nhà máy nghiên cứu chế tạo bùn, pha trộn với chất phụ gia, xi măng để cho “ra lò” sản phẩm có chức năng giống như cát thật. Trong khi đó, trữ lượng bùn nạo vét này ở ĐBSCL rất nhiều. Hiện Phòng Thí nghiệm vật liệu mới của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng đang nghiên cứu, thí nghiệm cách chế tạo cát từ bùn nạo vét. Trong tương lai, sẽ cho ra các sản phẩm với tính năng riêng, phù hợp với yêu cầu xây dựng của chủ đầu tư dự án. Mặc dù các giải pháp thay thế cát xây dựng đã có, thế nhưng, ngoài chi phí đầu tư sản xuất, các vật liệu này chỉ áp dụng được trong một số trường hợp nhất định. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục siết chặt việc khai thác cát, có quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn cát tự nhiên; bên cạnh đó, có các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nguồn vật liệu mới thay thế cát xây dựng.

Tin cùng chuyên mục