Tìm mình sau những tổn thương

Những áp lực vô hình của cuộc sống hiện đại, muôn vàn kết nối từ mạng xã hội nhưng người trẻ cô đơn và nhạy cảm với những vấn đề tâm lý hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ bắt đầu tìm lại kết nối với chính mình sau những tổn thương.
Các hoạt động âm nhạc và chia sẻ thu hút bạn trẻ ngồi lại cùng lắng nghe câu chuyện của nhau
Các hoạt động âm nhạc và chia sẻ thu hút bạn trẻ ngồi lại cùng lắng nghe câu chuyện của nhau

Trải nghiệm lạ mà quen

 Vài bạn lặng lẽ giấu đi giọt nước mắt khi đọc những dòng tin nhắn gửi cho gia đình của một ai đó đang được trưng bày trong triển lãm “Vụng về nhưng tràn trề” (triển lãm đến hết ngày 23-10, tại Ươm: 42/58 Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, TPHCM). Những dòng tin nhắn có thương, có giận cùng những câu chuyện đằng sau đó, khiến người tham dự dường như bắt gặp đâu đó là chính mình. 

Nguyễn Ngọc Minh Thư (23 tuổi, ở quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Khoảng cách thế hệ hay cũng có thể là sự ngại ngần mà càng lớn, tôi hay bày tỏ sự quan tâm ba mẹ qua những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hơn là những cử chỉ quan tâm trực tiếp. Nhìn những dòng tin nhắn này y như những tin nhắn tôi hay trò chuyện với ba mẹ và tự nhiên thấy mình vô tâm quá, lẽ ra nên trò chuyện trực tiếp, lắng nghe ba mẹ nhiều hơn là nhắn tin như vầy”.

Người ngắm nhìn những dòng tin nhắn, những câu chuyện gia đình được kể trong triển lãm; người lặng lẽ viết những dòng chia sẻ và dán lên tường có thể để lại tên hoặc không… Những triển lãm chia sẻ cảm xúc dần trở nên quen thuộc và thu hút bạn trẻ, khi nhịp sống hiện đại ai cũng có những nỗi niềm riêng. Không gian triển lãm không cần phải quá mới mẻ hay độc đáo, khác biệt mà chính những nội dung lạ mà quen từ cuộc sống hàng ngày đã giúp người trẻ tìm lại mình sau những tổn thương, va vấp.

“Tôi dự triển lãm thế này khá nhiều lần, bạn có thể kể chuyện của mình bằng cái tên thật hoặc một nickname nào đó cũng được. Ở đây không có bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tư vấn hay chữa trị cho bạn đâu, chủ yếu là một không gian để mọi người tự trải nghiệm và tự giãi bày với nhau, không ai phán xét ai… Đôi khi dám nhìn lại thất bại, sai lầm hay tổn thương của mình cũng là cách để mình mạnh mẽ hơn”, Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi, quận Gò Vấp) chia sẻ.

Nói về lý do để bắt đầu triển lãm “Vụng về nhưng tràn trề”, Mai Nguyễn (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Công việc của tôi là một người viết nội dung nên tôi lắng nghe và ghi lại những câu chuyện quanh mình rồi tổng hợp thành triển lãm và tôi mong muốn lan tỏa thông điệp, bất kỳ ai cũng có quyền được kể lên câu chuyện của mình, dù bạn có là ai đi chăng nữa. Câu chuyện của bạn không có đúng cũng không có sai, ở đây chúng mình lắng nghe, không phán xét và tôi tin khi một ai đó lựa chọn kể ra những nỗi niềm của họ, trong lòng họ ít nhiều sẽ vơi bớt cảm xúc không vui”.

Lựa chọn lắng nghe

Theo khảo sát của YPulse (một công ty nghiên cứu thị trường tại New York, Mỹ), có 62% người tiêu dùng trẻ từ 13-39 tuổi trên toàn cầu nghe podcast (tạm dịch: tệp âm thanh), trong đó có 26% chia sẻ rằng họ nghe podcast mỗi tuần. Số liệu cho thấy, một bộ phận công dân số đang bắt dầu dịch chuyển hoặc bớt thời gian trên các nền tảng mạng xã hội sang hình thức lắng nghe.

Bắt đầu nghe podcast từ khoảng thời gian phải chịu ở nhà vì giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đến nay thói quen nghe podcast mỗi tối vẫn được Trần Khánh An (24 tuổi, quận 8) duy trì. “Ban đầu thấy lạ nên tôi tìm hiểu thử, nhưng nghe rồi thấy thích và thấy nó phù hợp với mình. Có những kênh chuyên chia sẻ về chủ đề chữa lành, yoga hay tập thiền giúp ích cho tôi khá nhiều, nên đến giờ tôi vẫn nghe mỗi tối”, Khánh An chia sẻ.

Không chỉ là podcast, những chương trình thiên về âm thanh cũng dần thuyết phục người trẻ, bởi những trải nghiệm sâu sắc hơn là xu hướng xem - nghe - nhanh trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Triển lãm tranh digital art (tạm dịch: tranh kỹ thuật số) cùng không gian với âm thanh sắp đặt như: tiếng mưa, tiếng gió, tiếng rao hàng, bước chân… và mùi hương thân thuộc như: cơm khét, lúa non hay mùi trái chín trong vườn, diễn ra vào tháng 9 vừa qua, tại không gian triển lãm Mono Art (đường Bến Vân Đồn, quận 4) đã thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm.

Phụ trách quản lý nghệ thuật tại Mono Art, chị Trần Hạ Trang (37 tuổi) chia sẻ: “Xu hướng triển lãm kèm lắng nghe, trải nghiệm và chia sẻ cảm xúc hay câu chuyện của chính mình được bạn trẻ chuộng hơn vì nếu đơn thuần xem tranh thì phù hợp với nhà sưu tập hay sinh viên hội họa; xem tranh có thể xem trực tuyến nhưng trải nghiệm cảm xúc thì phải thực tế và trực tiếp. Sau mỗi triển lãm, có khi podcast được sử dụng, sổ tay tổng hợp nội dung được khách tham quan kể lại trong triển lãm lại thu hút bạn trẻ tìm mua và tặng nhau như quà lưu niệm”.

Vòng quay nhanh của nhịp sống số, những áp lực vô hình và tổn thương tinh thần gần như là câu chuyện chung của giới trẻ hiện đại. Lắng nghe và tìm lại chính mình sau những tổn thương, va vấp cũng là một kỹ năng trong hành trình thanh xuân.

Tin cùng chuyên mục