Tìm lối ra cho cá ngừ đại dương

Ngành khai thác cá ngừ đại dương mang lại giá trị thương mại khá cao,  xuất khẩu sang 100 nước trên thế giới, nhất là Mỹ, Nhật Bản, EU... Tuy nhiên, trước nhiều thách thức mới từ ngư trường, giá cả, nghề câu cá ngừ đại dương ở nước ta đang gặp vô vàn khó khăn.
Ngư dân Nam Trung bộ khai thác cá ngừ đại dương theo phương thức truyền thống
Ngư dân Nam Trung bộ khai thác cá ngừ đại dương theo phương thức truyền thống

Giá rẻ, sản lượng giảm

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tại các cảng cá lớn ở Bình Định, Phú Yên chộn rộn với các chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương cập bờ. Tuy nhiên, theo các thợ câu, sản lượng cá đang tụt dốc. Tại cửa biển Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) 3 năm trước, các tàu câu cá ngừ dễ dàng thu hoạch được 2,5-4 tấn/chuyến biển từ 15-20 ngày, thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng hao hụt, chỉ còn từ 300-400kg/chuyến biển. Đội tàu câu cá ngừ đại dương Tam Quan Bắc từ 1.000 tàu đang giảm dần, một số nằm bờ hoặc chuyển đổi nghề.

Ngư dân Huỳnh Thiên (44 tuổi, thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc), chủ tàu câu cá ngừ đại dương số hiệu BĐ 97812 TS (850CV), cho biết, sản lượng cá ngừ đại dương vơi dần, ngư trường cũng thu hẹp, các tàu câu rơi vào khó khăn do tần suất đánh bắt của ngư dân quá lớn, tàu phát triển ồ ạt, nhiều ngành nghề khai thác vây bắt kiểu tận diệt. Một nghịch lý khác, trong vòng 10 năm trở lại đây, giá cá ngừ đại dương tăng rất chậm, trong khi giá xăng dầu, nguyên vật liệu, phí tổn… liên tục tăng cao.

Theo giới săn cá ngừ đại dương, chu kỳ sinh sản loài cá này diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, khoảng 110 hải lý trở vào bờ. Để cá ngừ phát triển đủ lớn từ 15-30kg để khai thác, xuất khẩu, phải mất rất nhiều năm. Tuy nhiên, thời điểm cá ngừ sinh sản, cá chưa đủ lớn thì đã gặp phải nhiều đợt vây bắt của các tàu giã cào hoặc tàu lưới vây…

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn cuối năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sản lượng cá ngừ đại dương Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng khá tại các thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, EU… Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương năm 2021 đạt trên 759 triệu USD, tăng 17% so với năm 2020

Tổ chức đấu giá, tạo chuỗi liên kết

Việt Nam có trên 3.600 tàu cá với khoảng 35.000 lao động đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu là ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, sản lượng khoảng 20.000-35.000 tấn/năm. Trong đó, Bình Định là địa phương có sản lượng khai thác cá ngừ lớn nhất cả nước, trên 11.000 tấn/năm. Từ năm 2014, tỉnh này đã hợp tác với nhiều đại diện ở Nhật Bản để chuyển giao công nghệ, thiết bị khai thác, bảo quản cho các ngư dân trong tỉnh. Có thời điểm, Công ty CP Thủy sản Bình Định và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Nhật Bản) đã hợp tác xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Tuy nhiên, hợp tác này chưa đạt hiệu quả như mong đợi do chi phí vận chuyển, lưu kho thông qua các chuyến bay tốn kém, kéo dài, không đảm bảo chất lượng cá để cạnh tranh tại chợ đấu giá Nhật Bản.

Vừa qua, Sở NN-PTNT Bình Định cùng phối hợp một doanh nghiệp khác có 100% vốn Nhật Bản (trụ sở tại Khánh Hòa) tiếp tục mở dự án “chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định”. Doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua sản phẩm cho ngư dân cao hơn giá thị trường từ 2.000-15.000 đồng/kg, tùy loại.

TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết, ngư dân đang tập trung khai thác 2 nhóm cá ngừ đại dương gồm: cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh có trọng lượng từ 10kg đến vài trăm ký; cá ngừ chù có trọng lượng từ 3-5kg. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực sự khai thác hết được tiềm năng các nhóm cá ngừ để tạo chuỗi liên kết từ khai thác, chế biến, xuất khẩu nhằm nâng giá trị. Vì vậy, theo TS Trần Văn Vinh, Việt Nam cần có các phiên đấu giá cá ngừ để dần thay đổi nhận thức khai thác của ngư dân, doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, phương thức khai thác, bảo quản sau đánh bắt của ngư dân Phú Yên vẫn còn rất truyền thống nên chất lượng sản phẩm chưa đạt, khó cạnh tranh thị trường, khiến giá rẻ hơn rất nhiều so với thế giới. Nhận thấy điểm yếu này, từ nhiều năm trước, Phú Yên đã tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản.

Mới đây, tỉnh Phú Yên đạt thỏa thuận ban đầu với Tập đoàn Kiyomura về hợp tác phát triển thủy sản, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản, marketing, hợp tác xuất khẩu cá ngừ qua Nhật Bản. Phú Yên hy vọng thông qua hợp tác trên, tương lai sẽ có những phiên đấu giá cá ngừ tại tỉnh này.

Ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh trúng đậm cá cơm, ruốc

Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những ngày gần đây, tại cảng cá Cửa Sót đã có hàng chục lượt tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An trúng đậm cá cơm, ruốc vào cập cảng, với sản lượng khoảng 15-20 tấn mỗi loại/ngày, giá bán dao động 10.000-20.000 đồng/kg ruốc và 20.000-40.000 đồng/kg cá cơm.

DƯƠNG QUANG


Tin cùng chuyên mục