Tìm lại dấu xưa

Đà Nẵng, một đô thị nằm giữa hai đầu đất nước, được xem là phát triển năng động trong mấy thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, trong vòng xoáy đô thị hóa, phát triển dự án và đất đai, có lúc người ta đã làm lu mờ và phai nhạt đi những ký ức của thành phố. Thời gian gần đây, Đà Nẵng đã có những động thái tích cực nhằm trả lại những giá trị vốn có của di tích.

Nhiều di tích suýt bị khai tử

Từ khi tách tỉnh và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng như một “đại công trường” với các dự án chỉnh trang, kiến thiết đô thị. Hàng loạt ngôi làng ven biển được di dời để nhường đất cho các dự án resort; hàng loạt nhà chồ ven sông được dọn dẹp để những cây cầu mọc lên nối hai bờ.

Tòa Đốc Lý thời Pháp thuộc nằm ở số 42 Bạch Đằng đang được đầu tư trùng tu để làm Bảo tàng thành phố
Một đô thị khang trang mọc lên, nhưng dường như vì dồn tâm lực cho xây mới và phát triển kinh tế, nhiều công trình văn hóa, lịch sử ở Đà Nẵng bị đe dọa biến mất hoặc bị chèn ép. Bảo tàng điêu khắc Chămpa được Viện Viễn Đông Bác cổ xây dựng từ thời Pháp thuộc từng có nguy cơ nằm dưới gầm cầu khi Đà Nẵng tiến hành thi tuyển thiết kế xây dựng cầu Rồng. May thay, nhờ dư luận và cơ quan chức năng lên tiếng, bảo tàng được bình yên như hiện tại.

Cách đó không xa, thành Điện Hải là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng một thời gian dài không được quan tâm bảo tồn. Bên cạnh thành Điện Hải là Trung tâm Hành chính thành phố được xây dựng từ lâu, nằm trong vành đai bảo vệ di tích. Mới đây, TP Đà Nẵng dự định bán đấu giá lô đất thuộc Nghĩa trủng Phước Ninh (Di tích lịch sử cấp quốc gia) để làm bãi đậu xe. Một lần nữa dư luận lại lên tiếng không đồng thuận. Chính quyền sau đó đã sửa sai bằng việc dừng đấu giá và tiến hành đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn dạo kết hợp bãi đậu xe công cộng theo hình thức đầu tư từ nguồn ngân sách.

Ngay cả Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn cũng bị dự án kè sông Cổ Cò làm ảnh hưởng. Phía biển, làng Nam Ô ở chân đèo Hải Vân với Cụm di tích lịch sử Nam Ô (là hiển hiện của hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen) suýt bị biến mất bởi dự án du lịch. Dư luận lên tiếng, người dân bản địa phản ứng, dự án du lịch mới bị đình chỉ cách đây vài năm và quy hoạch được thay đổi để giữ nguyên các giá trị lịch sử văn hóa ở đây. Trên đỉnh đèo Hải Vân, di tích Hải Vân Quan và các công trình lịch sử từ thời nhà Nguyễn trơ trọi với nắng mưa, xuống cấp trong thời gian dài, không được đầu tư bảo tồn đúng mức khiến nhiều người không khỏi xót xa. Mới đây, 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã bắt tay, cùng nhau “sửa sai”.

Những động thái tích cực

Theo TS Lê Minh Sơn, Tổ trưởng Bộ môn Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, với một thành phố hiện đại như Đà Nẵng, bảo tồn di sản chiếm một vị trí quan trọng, bởi nó đáp ứng những nguyện vọng nhất định của người dân, đặc biệt là họ mong muốn bảo tồn những liên kết hữu hình với cội nguồn lịch sử và đảm bảo “cảm giác thuộc về” cho những người yêu mến nó.

“Bây giờ Đà Nẵng mới bắt đầu quan tâm đến các di tích, công trình kiến trúc cổ. Tuy nhiên, có cái vướng là những công trình cổ ở Đà Nẵng không nhiều; không có nhiều chuyên gia, người hiểu biết về văn hóa nên chính quyền làm gì cũng sợ sai, vì vậy để nó nằm im như vậy. Hình như người ta chỉ nghĩ làm cho Đà Nẵng có một diện mạo mới hoành tráng, để giống Singapore chẳng hạn”, TS Lê Minh Sơn nói.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT TP Đà Nẵng, những năm qua, công tác quản lý di sản văn hóa nói chung nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gồm: Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2; dự án nâng cấp, cải tạo trụ sở UBND TP (cũ) tại 42 Bạch Đằng làm bảo tàng; dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn…

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng, cho rằng: “Đúng là khoảng mươi năm trở lại đây, Đà Nẵng có một bước chuyển quan trọng về cả nhận thức và hành động trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Nếu không có bước chuyển đầy ý nghĩa này thì chắc chắn thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan… tiếp tục bị xâm hại hoặc bỏ hoang phế”.

Sở VH-TT Đà Nẵng cũng nhìn nhận việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích không được đồng bộ, có lúc còn xung đột với quy hoạch phát triển của thành phố; một số dự án đã làm ảnh hưởng đến hướng nhìn, kiến trúc, cảnh quan xung quanh các khu di tích như dự án kè sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng gây ảnh hưởng đến Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Tin cùng chuyên mục