Tìm lại bản sắc

Ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Công đã chứng kiến sự sụt giảm trong những năm 1990 do nạn ăn cắp bản quyền tràn lan và sự thu hẹp của thị trường khu vực.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi họ trải qua khủng hoảng tài chính châu Á và tiếp đến là dịch cúm SARS. Nền kinh tế Hồng Công sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ngành công nghiệp sản xuất phim tại đây cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng đó. Năm 2004, có chưa tới 70 bộ phim được sản xuất so với khoảng 200 phim/năm vào đầu những năm 90. 
Để giải quyết khủng hoảng, Hiệp định Hợp tác Kinh tế Gắn kết đã được ban hành giữa Hồng Công và Trung Quốc đại lục. Theo đó, các bộ phim Hồng Công được miễn thuế nhập khẩu ở Trung Quốc và các bộ phim do Hồng Công cũng như các công ty đại lục đồng sản xuất có thể được hưởng quyền lợi về phát hành giống như các bộ phim Trung Quốc tại đại lục.
Điều này đã mở ra cơ hội để phát triển nhanh chóng cho nhiều nhà làm phim Hồng Công khi họ Bắc tiến và xem đây như là cách để giải cứu ngành công nghiệp điện ảnh khỏi bị sụp đổ. Số lượng các phim dưới hình thức hợp tác sản xuất đã tăng gần gấp ba lần. Một số đạo diễn hàng đầu của Hồng Công như Từ Khắc, Trần Khả Tân đã sang Trung Quốc làm phim. Họ là một trong số nhiều nhà làm phim Hồng Công thành công ở Trung Quốc đại lục.
Tìm lại bản sắc ảnh 1 Poster phim Mad World của Hoàng Tiến
Trong số 50 bộ phim có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc do Entgroup’s China Boxoffice tổng hợp có tới 15 phim là của các đạo diễn Hồng Công, so với 12 phim của các đạo diễn Trung Quốc. Sự hợp nhất với Trung Quốc đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ đối với điện ảnh Hồng Công cả trong nội dung và tiềm lực tài chính suốt 20 năm qua. Một số bộ phim hay nhất của Hồng Công đã được sản xuất trong thời kỳ này như phim Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ, Đội bóng thiếu lâm của Châu Tinh Trì, Vô gian đạo Lưu Đức Hoa…
Tuy nhiên, việc quá tập trung phục vụ thị hiếu tại một khu vực đã khiến cho các bộ phim Hồng Công đi dần vào lối mòn, mất đi lượng lớn khán giả các nước trong khu vực, thậm chí chính khán giả Hồng Công cũng chán xem vì cho rằng các bộ phim đã không còn liên quan gì đến văn hóa, đời sống Hồng Công ngày nay. Đạo diễn trẻ Hoàng Tiến, 28 tuổi, từng đoạt giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Kim Mã, lãnh thổ Đài Loan năm 2016 và Giải Kim Tượng điện ảnh Hồng Công 2017 nhận xét: “So với ngày xưa, các bộ phim Hồng Công ít có sự đa dạng hơn”.
Với hy vọng thúc đẩy tình hình sản xuất phim nội và tạo ra một lực lượng các đạo diễn Hồng Công mới, Hồng Công đã thành lập Quỹ Phát triển Điện ảnh và các cuộc thi như The Fresh Wave Intl, Short Film Competition để phát hiện tài năng điện ảnh trẻ. Các bộ phim gần đây đã cố gắng đưa điện ảnh Hồng Công trở lại đúng vị trí của nó bằng những câu chuyện mang bản sắc riêng, tập trung vào các câu chuyện mang thông điệp xã hội chứ không chỉ là giải trí như các phim Ten Years (2015), Trivisa (2016)  hay Mad World (2016)
Đạo diễn Hoàng Tiến khẳng định: “Chúng tôi tập trung vào khía cạnh xã hội của điện ảnh. Đối với những người làm phim, việc có nhiều người lắng nghe câu chuyện quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Thay vì tập trung vào một khu vực mang lại quyền lợi trong ngắn hạn, chúng tôi đang cố gắng kể câu chuyện cho khán giả khắp nơi với hy vọng lấy lại bản sắc có giá trị nhân văn lâu dài”.

Tin cùng chuyên mục