Tìm hướng giải quyết cho khách hàng mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng

Sau thời gian quảng bá rầm rộ, mới đây chủ đầu tư dự án Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đã thông báo không tiếp tục thực hiện chi trả lợi nhuận đến khách hàng của loại hình condotel tại dự án kể từ ngày 1-1-2020 khiến nhiều khách hàng bức xúc. Hiện chủ đầu tư đã đưa ra nhiều phương án giải quyết, nhưng khách hàng vẫn chưa hài lòng.

Do vướng thủ tục pháp lý 

Giữa tháng 11, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) tổ chức “Hội nghị khách hàng Cocobay Đà Nẵng 2019”. Tại đây, công ty trình bày đến khách hàng về nỗ lực của công ty trong thời gian qua và nêu lên những khó khăn của dự án. 

Sau hội nghị này, Công ty Thành Đô đã phát đi thông báo đến khách hàng mua căn hộ tại Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng về việc ngừng chi trả lợi nhuận của loại hình condotel do “khó khăn về dòng tiền”.

Tìm hướng giải quyết cho khách hàng mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng ảnh 1 Nhiểu khách hàng lao đao khi Cocobay không tiếp tục chi trả lợi nhuận
Thông báo do ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô, ký có nội dung do khung pháp lý của loại hình condotel còn chưa được quy định cụ thể, hoạt động kinh doanh bất động sản của loại hình này vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc nên gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của Tổ hợp Cocobay.

Do đó, kể từ ngày 1-1-2020, Công ty Thành Đô buộc phải chấm dứt việc chi trả thu nhập theo cam kết tại phụ lục 06 của hợp đồng mua bán (hợp đồng). Khoản thu nhập cam kết từ khi ký hợp đồng cho đến ngày 31-12-2019, Công ty Thành Đô đã chi trả và sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm chi trả cho chủ sở hữu.

Công ty Thành Đô cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp cho khách hàng lựa chọn. Nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục hợp tác, đồng hành cùng Thành Đô, gồm 3 lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, khách hàng có thể chuyển đổi từ condotel thành căn hộ chung cư. Phí chuyển đổi dự kiến 15% trên giá mua bất động sản theo hợp đồng đã ký.

Lựa chọn thứ hai là giữ loại hình condotel như hợp đồng đã ký, không nộp phí chuyển đổi, không được ở và giao lại cho đơn vị vận hành để chia sẻ lợi nhuận theo nguyên tắc ký hợp đồng 10 năm từ ngày 1-1-2020.

3 năm đầu, chủ sở hữu nhận thu nhập cố định theo mặt bằng chung của thị trường. 7 năm tiếp theo nhận thu nhập cố định hoặc hưởng tỷ lệ 80% phần lãi từ hiệu quả kinh doanh… Lựa chọn thứ ba là khách hàng nhận ưu đãi khi mua các sản phẩm bất động sản mới của dự án.

Ở nhóm giải pháp thứ hai, Thành Đô thanh lý hợp đồng, bàn giao lại tài sản cho chủ sở hữu để tự kinh doanh, sử dụng, tự chuyển nhượng.

Nhóm giải pháp thứ ba là thanh lý hợp đồng, hoàn lại tiền cho chủ sở hữu. Thành Đô sẽ trả lại nguyên gốc theo giá trị tài sản ghi tại hợp đồng sau khi khấu trừ các chi phí liên quan và chủ sở hữu bàn giao nhà lại cho Công ty Thành Đô. Thời hạn chi trả tiền thanh lý chậm nhất đến 30-9-2020. Trong thời gian chủ sở hữu chưa nhận được tiền thanh lý, sẽ được tính lãi suất 10%/năm cho đến ngày nhận được tiền.

Ngoài 3 giải pháp trên, khách hàng có thể tự đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của mình, Thành Đô sẽ tổ chức một bộ phận chuyên trách để tiếp nhận và xử lý cùng khách hàng.

Khách hàng bức xúc

Dự án Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay được khởi công từ năm 2016 với tổng diện tích 31ha nằm ở vị trí giáp ranh giữa Đà Nẵng với thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm 2017, chủ đầu tư dự án này rao bán ra thị trường hơn ngàn căn hộ và cam kết chi trả lợi nhuận, thế nhưng đến nay thậm chí có khách hàng còn chưa được nhận căn hộ.

Chị N.T.H. (ở Đà Nẵng), một khách hàng mua căn hộ ở đây, cho biết: “Năm 2017, khi mua tôi được cam kết dự kiến từ 15-3-2019 chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được một thông báo chính thức nào. Bây giờ lại thêm việc không chi trả lợi nhuận như cam kết thì thật sự tôi quá thất vọng. Hiện giờ tôi phải trả lãi ngân hàng với số tiền hàng chục triệu đồng/tháng”.

Còn ông Trần Ngọc Hoàng, một khách hàng, bức xúc: “Khi ngân hàng cho tôi vay để mua căn hộ thì tôi nghĩ ngân hàng đã đánh giá năng lực, dự án của Thành Đô nên tôi an tâm vay để đầu tư. Bây giờ, Thành Đô đưa ra thông báo với các phương án trên thì tôi thấy toàn bộ có lợi cho chủ dự án mà không có sự đồng thuận của khách hàng”.

Theo một số luật sư, trên thực tế loại hình căn hộ khách sạn hay còn gọi là condotel chưa hề được quy định trong văn bản pháp luật nào. Đây là một loại đầu tư rất mạo hiểm cho người mua, tuy nhiên khi ký mua thì người mua không được tư vấn luật đầy đủ nên không hiểu việc được ký hợp đồng thế chấp có hệ lụy gì hay không. 

Vào tháng 7 vừa qua, trong cuộc họp báo của TP Đà Nẵng, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, thành phố chưa cấp phép một dự án hay công trình nào theo loại hình condotel. 

Sở TN-MT thành phố cũng chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các căn hộ dạng condotel.

Tin cùng chuyên mục