Tìm hướng đi cho cây thanh long ở ĐBSCL

Để cây thanh long vùng ĐBSCL tránh rủi ro, cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu, các ngành chức năng đang tích cực hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, phần lớn trái thanh long hiện nay được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này thường biến động khiến tiêu thụ gặp khó. Một số doanh nghiệp cho biết, các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ… cũng ưa chuộng thanh long, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn.

Tại tỉnh Long An, nơi có hơn 12.000ha thanh long, ngành chức năng đang hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… Ông Đặng Văn Tây Lo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Trụ (Long An), cho biết, địa phương đang triển khai cho nông dân 3 mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở 2 đơn vị: HTX Quê Mỹ Thạnh và HTX Bình Tịnh; từ đó cấp mã số vùng trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ có 300ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, sẽ hỗ trợ về vốn cho nông dân cùng với khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Còn tại huyện Châu Thành (Long An), có 100% HTX được cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng, mã vạch tập thể cho vùng trồng thanh long xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết, địa phương đang từng bước hỗ trợ bà con sản xuất theo hướng hữu cơ để mở rộng thị trường xuất khẩu. Toàn huyện có hơn 8.000ha thanh long đang dần triển khai trồng theo hướng hữu cơ. “Một số doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nhưng chưa rộng rãi vì thanh long xuất qua những thị trường khó tính này đòi hỏi phải đạt chuẩn, phải được chứng nhận. Theo kế hoạch, diện tích thanh long công nghệ cao được áp dụng trên diện tích 3.300ha, nhưng số được cấp giấy chứng nhận VietGAP, Global GAP chưa nhiều. Huyện đang làm mới các mô hình theo tiêu chuẩn nhằm hướng đến phát triển lâu dài, bền vững”, ông Nguyễn Văn Khải thông tin.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp, tỉnh Long An đang xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo chuỗi giá trị đến năm 2025 là 6.000ha; tất cả được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và hữu cơ... Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, muốn xuất khẩu được thanh long thì phải sản xuất theo chuỗi giá trị, quy tụ nông dân, tổ hợp tác, HTX gắn kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 9.700ha thanh long, trong đó có hơn 2.300ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây thanh long phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Giai đoạn năm 2022-2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có khoảng 3.600ha thanh long đạt chuẩn VietGAP. Trên cơ sở quy hoạch dự án phát triển cây thanh long của tỉnh, các huyện sẽ có kế hoạch cân đối nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tin cùng chuyên mục