Tìm giải pháp xuất khẩu bền vững cho doanh nghiệp

Ngày 18-11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề  “Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững”.  Hơn 300 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực, ngành hàng phía Nam và các doanh nghiệp thuộc hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, Hoa Kỳ đã tham dự chương trình. 
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận để tìm kiếm giải pháp xuất khẩu bền vững cho doanh nghiệp Việt
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận để tìm kiếm giải pháp xuất khẩu bền vững cho doanh nghiệp Việt

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có phạm vi rộng lớn hơn, ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao gồm cả các thể chế, pháp lý. Các FTA thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Cụ thể, với Hiệp định CPTPP, sau 3 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 38,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021 và Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau 10 tháng đạt 4,4 tỷ USD.

Tương tự, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận kết quả khả quan. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá, nhìn chung xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại các FTA, nhất là FTA thế hệ mới tương đối mới và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi. Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, khi các nền kinh tế và hoạt động thương mại giữa các nước trên thế giới bình thường hóa trở lại, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, trong 2 phiên thảo luận tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã trao đổi nhằm xác định những điểm mạnh, yếu trong xuất khẩu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp và chính sách để hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững cho doanh nghiệp vào các thị trường FTA trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục