Tìm giải pháp quản lý vỉa hè hiệu quả - Bài 2: Quy hoạch không gian vỉa hè cho nhiều hoạt động

“Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng vỉa hè mất trật tự lâu nay là vì những chức năng của vỉa hè chưa được nhìn nhận đầy đủ để có giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, quản lý hành chính và quản lý kinh tế đối với các hoạt động trên vỉa hè”, đó là phân tích của đại diện nhóm tác giả đề tài khoa học Nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM thực hiện), đồng thời đề xuất thực hiện những giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả vỉa hè mà ưu tiên hàng đầu vẫn phải đảm bảo không gian cho người đi bộ.
Vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) có nơi rộng cả chục mét nhưng đã bị lấn chiếm toàn bộ. Ảnh: THU HƯỜNG
Vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) có nơi rộng cả chục mét nhưng đã bị lấn chiếm toàn bộ. Ảnh: THU HƯỜNG

Không gian đa chức năng

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng, vỉa hè là không gian công cộng quan trọng của đô thị, đảm bảo sự lưu thông an toàn cho người đi bộ. Vỉa hè cũng là nơi bố trí cây xanh, lắp đặt, đi ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước thải, chiếu sáng, cáp ngầm…), gắn các trang thiết bị như thùng rác, các công trình phụ (ghế đá, tiểu cảnh…), cột biển báo. Vỉa hè còn đóng vai trò như không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài công trình kiến trúc.

Ngoài ra, ở khía cạnh kinh tế - xã hội, các hoạt động sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán là các hoạt động kinh tế phi chính thức. Hoạt động này tồn tại từ lâu và trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế của các nước trên thế giới, nhất là với các nước đang phát triển. Trong nghiên cứu về vỉa hè TPHCM của Annette Kim, Phó Giáo sư đô thị học và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ, có hơn 15 năm nghiên cứu TPHCM) cũng nêu, các hoạt động trên vỉa hè tạo không gian đô thị sống động cho TPHCM. Đối với du khách, mua và bán trên đường phố của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng là một phần của văn hóa Việt Nam và tạo thêm hấp dẫn với họ.

Ngoài ra, vỉa hè còn liên quan trực tiếp đến những lợi ích về mặt đất đai và bất động sản, nhất là những căn nhà mặt tiền. Như vậy, vỉa hè là một không gian công cộng độc đáo, cùng với các không gian công cộng khác tạo thành sức sống, sức hấp dẫn cho TPHCM và tham gia vào việc kiến tạo không gian đô thị. Cũng vì vậy, quản lý vỉa hè là một thách thức lớn. Nếu cho rằng vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ và lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì xem nhẹ, thậm chí loại trừ các chức năng khác khỏi vỉa hè (mặc dù chúng vẫn tồn tại) và tạo ra những xung đột cụ thể. Đặc biệt, đối với nhiều người, kinh tế vỉa hè là thu nhập chính nên họ không từ bỏ chiếm dụng dù bị xử phạt nhiều lần.

Ở các đô thị trên thế giới, kinh tế vỉa hè là khái niệm không xa lạ. Trong một báo cáo (Sally Roever năm 2014) về ngành kinh tế phi chính thức là hàng rong, cho thấy hàng rong đường phố chiếm từ 2%-24% tổng số việc làm phi chính thức ở đô thị châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh. Người bán hàng rong cung cấp một loạt cửa hàng bán lẻ trên phạm vi lớn, phân phối hàng hóa, dịch vụ với chi phí thấp, giúp làm tăng cạnh tranh tổng thể của ngành thương mại. Kinh tế vỉa hè giúp người lao động nghèo kiếm được thu nhập và cũng cung cấp một mạng lưới an sinh xã hội với chi phí thấp, hỗ trợ thu nhập và có thể làm giảm hoạt động tội phạm.

Nghĩa là, ở nhiều thành phố trên thế giới, không thể loại bỏ hàng rong, nên chuyển hướng từ cấm sang cho phép hàng rong hoạt động với các điều kiện cụ thể. Thế nhưng, theo quy định hiện nay của nước ta, sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông hiện là vi phạm pháp luật. Điều này cần được thay đổi.

Thời gian qua có không ít các nghiên cứu, đề xuất về những giải pháp quản lý lòng đường và vỉa hè trên địa bàn TPHCM. Trong đó, TS Dư Phước Tân và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM thực hiện, đề xuất thành lập Công ty Quản lý và Khai thác quỹ vỉa hè đô thị, nhằm tạo nguồn thu cho thành phố. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Về phí sử dụng vỉa hè pháp luật hiện đã quy định (theo Luật Phí và lệ phí 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), cho phép HĐND tỉnh - thành ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Hiện nay, nhiều nơi quy định mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ quản lý sử dụng phí sử dụng vỉa hè như Đà Nẵng, Phú Yên, Đồng Tháp, Hải Phòng... Hiện TPHCM vẫn chưa ban hành loại phí này.

Chia sẻ không gian


Kết quả nghiên cứu khẳng định, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong quản lý vỉa hè, như ban hành các quy định quản lý, cấp phép sử dụng nhằm sự ổn định, cân bằng của không gian (vỉa hè) và vấn đề xã hội. Cụ thể, năm 2008, UBND TPHCM ban hành Quyết định 74 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Sau đó, UBND tiếp tục có các quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng (có thu phí); phục vụ kinh doanh, buôn bán.

Việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè (hiện chỉ cho phép trên 13 tuyến đường) cùng với việc tổ chức phố hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) hoặc trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) là chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, số lượng hàng rong nhiều và nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè rất lớn nhưng quy mô thực hiện nhỏ nên tác động đến tổng thể chung về trật tự vỉa hè còn hạn chế. Do đó, TPHCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, tổ chức không gian, về quản lý hành chính và quản lý về kinh tế các hoạt động trên vỉa hè, từ từng khu vực đến quy mô toàn thành phố.

Kết quả nghiên cứu đề xuất TPHCM áp dụng giải pháp chia sẻ không gian trên vỉa hè như nhiều thành phố trên thế giới. Nghĩa là cần cho phép các hoạt động tạm ngoài mục đích giao thông ở những nơi có đủ điều kiện. Cụ thể, sau khi ưu tiên hàng đầu cho mục đích giao thông (dành 1,5m cho người đi bộ), phần vỉa hè còn lại có thể làm nơi để xe, trưng bày hàng hóa, để bàn ăn/uống, hàng rong… Tuy nhiên, các hoạt động ngoài mục đích giao thông phải được tổ chức gọn gàng, ngăn nắp và đúng luật để không làm cản trở người đi bộ và không làm mất mỹ quan đô thị.

Nhóm nghiên cứu thống kê, TPHCM hiện có 4.900 tuyến đường, trong đó có 28% chiều dài phần vỉa hè từ 3m trở lên, có thể sắp xếp hoạt động hàng rong sau khi phân định rõ không gian cho người đi bộ. Nhóm đề xuất phân cấp cho UBND các quận - huyện được xác định vỉa hè dành cho hàng rong và từ đó từng bước sắp xếp, đưa người bán hàng rong vào các khu vực nhất định. Cùng với quy hoạch khu vực là giải pháp quản lý, cấp phép hàng rong hoạt động kèm những điều kiện cụ thể về thời gian hoạt động, phạm vi, diện trưng bày hàng hóa, bàn ăn trên vỉa hè. Đặc biệt, TPHCM cũng cần quy định biện pháp chế tài đối với hành vi lấn chiếm ngoài phạm vi được phép. Hàng rong vi phạm nhiều lần có thể bị rút giấy phép, như Singapore có Luật Đường phố (Street Works Act) với mức phạt 2.000 đô la Singapore (khoảng 35 triệu đồng) và thu hồi giấy phép buôn bán trên vỉa hè. Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất TPHCM xây dựng chính sách mới cho lực lượng quản lý đô thị. Đó là việc tạo cơ chế mở để tăng mức lương và thưởng, nhằm giảm bớt tiêu cực và nâng cao hiệu quả quản lý.

* PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: Không gian công cộng và được thuê sử dụng

Ở nhiều thành phố lớn trong khu vực, các nhà mặt đường được kinh doanh nhưng phải xây dựng, sắp xếp phía mặt tiền đường không được thò ra thụt vào, còn người bán hàng rong được bố trí ở những nơi nhất định, kinh doanh theo giờ. Riêng các bãi đậu xe hơi, xe máy bố trí hợp lý, thậm chí xây nhà cao tầng để làm bãi xe. Chẳng hạn, ở Singapore người ta cho thuê vỉa hè dài hạn, các bên cam kết với nhau và tổ chức lại không gian vỉa hè, lòng đường theo 3 cấp (dưới lòng đất, mặt bằng hiện hữu và trên cao) nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đồng thuận. Quan điểm của họ là vỉa hè, lòng đường là không gian công cộng, bất kỳ ai khai thác, sử dụng mà sinh lời thì phải trả tiền vào công quỹ, số tiền đó lại được sử dụng để duy tu, bảo trì vỉa hè, đường và môi trường xung quanh. Hay như ở Thái Lan, ngoài các điểm kinh doanh cố định, chính quyền địa phương còn khoanh những ô vuông hoặc tròn rộng khoảng 2m² trên vỉa hè cho người bán hàng rong thuê bán trong vòng 1-2 tiếng, sau đó di chuyển cho người khác bán.

THU HƯỜNG ghi

Tin cùng chuyên mục