Tìm giải pháp quản lý phát triển đô thị phù hợp

TPHCM đang xem xét điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố. Đây là việc cần làm, nhưng theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, quá trình phát triển đô thị TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, bất cập khi tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; hiển hiện nguy cơ thiếu nước sạch, lún sụt mặt đất; chất lượng sống của người dân chưa bền vững…
Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay đối với TPHCM là phải tìm cho được giải pháp quản lý phát triển đô thị phù hợp, hữu hiệu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Trọng Hòa về đề xuất này.
Tìm giải pháp quản lý phát triển đô thị phù hợp ảnh 1 Đô thị tại quận 7, TPHCM.Ảnh: CAO THĂNG
 Xây dựng nguyên tắc “khung”
PV: Từ nhiều năm qua, việc lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng (khi thực tế đòi hỏi và luật yêu cầu) được coi là cơ sở quan trọng để TPHCM phát triển đô thị bền vững. Tại sao ông lại đề xuất cấp bách tìm giải pháp quản lý phát triển đô thị trước khi điều chỉnh đồ án quy hoạch?
GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Có nhiều lý do để tôi có đề xuất này. Trước hết phải khẳng định, TPHCM đã tự lập hoặc thuê tư vấn lập nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị tốt như đồ án phát triển khu Nam của tư vấn SOM (Mỹ), đồ án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm của tư vấn Sasaki (Mỹ), đồ án quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn của tư vấn Nikkenkei (Nhật Bản)…
Nhưng trên thực tế, việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Khu Nam đã và đang đối mặt với tình trạng ngập nước, kẹt xe; đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm, nay mới có những công trình đầu tiên… Như vậy, vấn đề phát triển đô thị ở TPHCM hiện nay chính là thực hiện tốt việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Tiếp nữa, ở bình diện rộng hơn, TPHCM đang đối mặt với rất nhiều tồn tại như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch, mặt đất lún sụt; sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ chiếm đa số…
Nói tóm lại, thành phố hiện như bệnh nhân đang mắc nhiều bệnh, cần có một hội đồng y khoa với nhiều bác sĩ giỏi các chuyên môn khác nhau để hội chẩn toàn diện. Thế nên, thành phố cần có một đánh giá toàn diện về thực tế này. Với đánh giá đó, TPHCM mới xác định được cần điều chỉnh, bổ sung ở đâu và như thế nào, để từ đây đưa ra giải pháp quản lý phát triển đô thị phù hợp. Khi đã có các nguyên tắc có tính chất “khung” định hình như vậy, sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Theo tôi, các tư vấn lập quy hoạch, phần đông tập trung vào quy hoạch không gian, chứ không “đa ngành” để có thể đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của thành phố.
Trong cuộc họp công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước khi điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố. Đây cũng là cách đánh giá toàn diện lại việc phát triển đô thị trước khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố?
Đây là hướng đi đúng nhưng sau khi “bắt bệnh” thì phải xây dựng cho được “phác đồ điều trị”, nghĩa là tìm được giải pháp hữu hiệu cho việc quản lý phát triển đô thị. Việc này rất quan trọng, bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định việc phát triển đô thị bền vững. Và để tìm được giải pháp khả thi, phù hợp, TPHCM nên mời tư vấn có uy tín trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, đề xuất; thậm chí nên mời thêm cả tư vấn phản biện các vấn đề mà bên tư vấn nghiên cứu, đề xuất giải pháp đưa ra. Càng làm kỹ bao nhiêu, chúng ta càng có cơ hội tìm được giải pháp quản lý phát triển đô thị tốt bấy nhiêu. 
So với nhiều thành phố cùng tầm vóc trong khu vực, thậm chí so với nhiều thành phố khác trong nước, TPHCM có nhiều chỉ số phát triển thua kém; vì thế tôi nghĩ, đây là cơ hội cuối cùng cho thành phố vượt lên, giải quyết căn cơ các tồn tại và phát triển bền vững, nếu không muốn bị bỏ lại đằng sau.
Đảm bảo quyền lợi người dân
Có một thực tế, nghe đến việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, không ít người dân lo lắng không biết nhà đất của mình có bị “chụp” quy hoạch, để rồi bị hạn chế các quyền về xây dựng, sửa chữa, thậm chí mua bán nhà đất… Là một trong những người đã gắn bó nhiều năm với công tác quản lý phát triển đô thị, theo ông, TPHCM nên điều chỉnh quy hoạch xây dựng như thế để vừa đảm bảo thành phố phát triển bền vững vừa hạn chế đến mức tối đa xáo trộn đời sống của người dân?
Trước hết phải xác định, TPHCM rất cần phải tổ chức lại không gian đô thị; đặc biệt ở các quận, huyện ven. Ở đấy, cứ nhìn vào bản đồ thành phố sẽ thấy nhiều quận, huyện đã để xây dựng nhà tràn lan, trong khi hệ thống giao thông rất ít, hệ thống thoát nước thiếu, thậm chí không có… Vấn đề ở đây là tổ chức lại không gian như thế nào?
Theo tôi, lần điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM này, thành phố nên tổ chức làm quy hoạch theo phân khu. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Luật Quy hoạch đô thị. Khi lập đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị chưa ra đời nên sau đó TPHCM đã làm quy hoạch chung cho từng quận, huyện. Làm quy hoạch theo địa giới hành chính có bất cập lớn là vừa bị giới hạn theo địa giới vừa “cào bằng” các chỉ tiêu cho quận, huyện nên chưa tận dụng được lợi thế của từng khu vực.
Trên cơ sở quy hoạch phân khu, tùy khả năng, TPHCM sẽ lên kế hoạch thực hiện quy hoạch từng phân khu theo thứ tự; trong đó, ưu tiên khu vực có khả năng tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển của thành phố. Tôi đề nghị thành phố nên “khoanh - không đụng chạm” đến khu vực đô thị hiện hữu mà tập trung hình thành các khu đô thị mới ở ngoại thành với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh. Sau đó kết nối các khu dân cư mới này với trung tâm hiện hữu bằng hệ thống giao thông công cộng. Các khu dân cư hiện đại với hệ thống giao thông thuận tiện, nhất định sẽ hấp dẫn người dân đến sinh sống. Khi người dân trong nội thành từng bước di dời ra các khu đô thị mới, thành phố sẽ tiến hành cải tạo khu đô thị trung tâm. Như vậy, không những hạn chế xáo trộn cuộc sống người dân mà còn giúp thành phố tiết giảm rất nhiều chi phí về giải phóng mặt bằng, xây dựng… Và để tạo đồng thuận với người dân, TPHCM cần quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng quy hoạch. Phải thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước là đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng và tốt hơn cuộc sống tại nơi ở cũ. 
Như ông nhận định, TPHCM đã thuê tư vấn lập được nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị tốt, nhưng thực tế phát triển lại không được như vậy. Người dân cũng chưa thấy cán bộ nào phải chịu trách nhiệm về những điều đó. Vậy theo ông, lần điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TPHCM này, có nên đặt ra các quy định về chế tài khi thực hiện quy hoạch? 
Thực hiện quy hoạch phát triển đô thị không thể làm một sớm một chiều; do vậy, điều tối quan trọng là phải bỏ được “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác này. Chính phủ phải quán triệt đến từng cán bộ và có biện pháp xử lý những cán bộ không chấp hành nghiêm. Thứ nữa, việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần minh bạch, rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, đây là việc phải làm khi yêu cầu phát triển và thực tế phát triển đã thay đổi, không đúng với dự báo trong quy hoạch, thế nhưng muốn điều chỉnh phải nghiên cứu thật kỹ và làm với đầy đủ các bước như khi lập quy hoạch. Hạn chế đến mức tối đa việc lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để tìm các lợi ích riêng như cho tăng diện tích đất xây dựng, tăng dân số…
Tốt nhất, để hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch thì ngay khâu lập quy hoạch phải nghiên cứu thật kỹ, lập cho được đồ án quy hoạch có chất lượng tốt, tầm nhìn xa. Riêng với đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM, theo tôi nên lập trên tinh thần xây dựng một chiến lược dài hơi, ít nhất phải có giá trị 50 năm, trong đó xác định rõ từng thời kỳ phải làm gì. Tất cả đối tượng chịu trách nhiệm thực thi quy hoạch mà không làm đúng quy hoạch phải bị xử lý. Chế tài trong công tác thực thi quy hoạch là rất cần thiết để quy hoạch được thực thi đúng.
Phát huy nguồn lực đất đai
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, trong hơn 30 năm đổi mới, TP đã đạt được những kết quả nổi bật, luôn đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện TPHCM đang đối mặt với nhiều điểm tắc nghẽn lớn và những khó khăn rất đặc thù, trong khi nhiều lợi thế phát triển chưa được phát huy.
Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra thực trạng phát triển nói chung và các nguyên nhân; trong đó nhấn mạnh những trói buộc, hạn chế về thể chế, cơ chế, chính sách và cho phép thành phố đề xuất và thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội, chưa có quy định hiện hành hoặc những quy định không còn phù hợp (Nghị quyết 54-NQ/QH của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM).
rên cơ sở này, để tạo điều kiện thành phố phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và cũng để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, phù hợp với quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố. Mục tiêu của công tác điều  chỉnh quy hoạch là tăng tính khả thi, phát huy nguồn lực đất đai và giá trị của quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và đột phá.
SƠN LAM (ghi) 

Tin cùng chuyên mục