Tìm giải pháp “cứu” nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống Quảng Nam

Sáng nay 25-1, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa - thổ cẩm Quảng Nam: thực trạng và giải pháp bền vững".
>>> Video Hội thảo "Nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa - thổ cẩm Quảng Nam: thực trạng và giải pháp bền vững
 Mai một nghề dệt lụa

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam và phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng đất nước.

Trước đây, nghề này đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh như: Duy Duyên, Điện Bàn, Đại Lộc...; giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam 
Theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam: Thời gian qua, do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, thu nhập từ nghề này thấp hơn so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác. Mặt khác, năng suất, chất lượng trồng dâu nuôi tằm còn thấp. Ngành dâu tằm chủ yếu nhập giống dâu, giống tằm, khâu chuyển giao công nghệ - kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ thấp, giá thành không ổn định.
Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm không chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả. Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài. Thực trạng này làm cho ngành dâu tằm phát triển không ổn định, kém hiệu quả và thiếu bền vững.
Tìm giải pháp “cứu” nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống Quảng Nam ảnh 2 Nghề dệt lụa Quảng Nam gặp nhiều khó khăn 
Ông Lê Trung Cường, PCT UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần sớm triển khai công tác quy hoạch vùng trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2017-2022.
Cụ thể, xây dựng điểm một số vùng tích tụ ruộng đất để trồng dâu, nuôi tằm, có kế hoạch bố trí ngân sách hằng năm để hỗ trợ giống dâu, công tác khuyến nông, xây dựng nhà tằm con, xây dựng mô hình, tham quan học tập, hỗ trợ sau đầu tư cho hộ phát triển loại hình kinh tế trang trại, HTX, Tổ hợp tác, doanh nhiệp tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, điện thủy lợi hóa đất dâu, cơ giới hóa một số khâu trong chăm sóc, bảo vệ thực vật và thu hoạch.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của tơ tằm được tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu qua các thị trường như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tuy nhiên, hiệu quả của việc xuất khẩu sản phẩm này còn chưa cao do chất lượng kén, tơ thường không ổn định. Tiêu chuẩn chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nhà xưởng, thiết bị và công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư đổi mới.

Một nguyên nhân khác dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa bị mai một là do thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ; việc chia đất để giao cho từng hộ phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, nên đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu, làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, diện tích dâu bị giảm mạnh, từ đó nghề nuôi tằm và ươm tơ không thể tiếp tục sản xuất, nông dân chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, đậu, bắp… và ngành nghề khác hiệu quả cao hơn.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, lực lượng lao động trẻ đã chủ động chuyển sang nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn, lực lượng lao động có tay nghề, có kiến thức đối với ngành dâu tằm tơ bị mai một, do già yếu và chuyển đổi nghề, nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề dâu tằm nói riêng.
Nghề nuôi tằm lấy kén ở Quảng Nam ngày càng thu hẹp do làng nghề gặp nhiều khó khăn 
Tìm giải pháp khôi phục làng nghề

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha trồng dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên, như: Duy Hòa, Duy Châu, Thị trấn Nam Phước, Duy Trinh,... với khoảng 30 hộ trồng.

Hiện nay, các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định, với khoảng 60.000 đồng/kg tằm, tính ra nuôi tằm bán làm thực phẩm lợi hơn nuôi tằm lấy kén.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và chắc chắn nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn.

Làng nghề ươm tơ, dệt lụa ngày càng gặp khó khăn 
Thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp quan tâm đến việc phục dựng nghề dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm như: Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng; Công ty Kraig Biocraft Laboratories (Công ty KBL) với việc xin triển khai dự án thí nghiệm trồng dâu, nuôi và cấy ghép tơ tằm tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc...

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về lụa tơ tằm, đặc biệt là thị trường một số nước như Mỹ, Nhật Bản... là rất lớn. Điều này cũng đã mở ra triển vọng trong phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở một số vùng có điều kiện của tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, để khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là một quá trình lâu dài, cần phải có sự nhận thức sâu sắc của cán bộ, của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và quan trọng hơn là nghề này phải đem lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới thu hút được lao động nông thôn tham gia.

Tìm giải pháp “cứu” nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống Quảng Nam ảnh 5 Làng nghề truyền thống ươm tơ, dệt lụa Quảng Nam đang ngày càng mai một 
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn không chỉ đối với người dân Quảng Nam, mà còn của cả nước. Thời gian gần đây, tuy có tín hiệu tích cực từ thị trường, xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất các mặt hàng tơ lụa gắn với phát triển du lịch, trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm cũng được các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ. Vì vậy, Quảng Nam hoàn toàn có khả năng phục hồi trở lại nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Hội thảo hôm nay là một trong những bước đi, tìm giải pháp lâu dài để phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa và thổ cẩm ở Quảng Nam.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống với 23 nghề; trong đó có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng như: Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; các huyện miền núi rất ít làng nghề.

Đối với nghề dệt thổ cẩm, đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề này tập trung chủ yếu ở một số địa phương, như: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang với một số Làng nghề tiêu biểu như: Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Pơr’ning, xã Lăng (huyện Tây Giang); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Làng nghề dệt thổ cẩm thôn BHờ Hôồng 1, xã Sông Kôn (Đông Giang); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Zara, xã Tabling (huyện Nam Giang).

Về tình hình hoạt động, hiện có 182 hộ với 262 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (lao động nữ) tham gia nghề.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ còn nhiều khó khăn, dừng ở mức độ duy trì nghề. Thu nhập bình quân của lao động thấp, khoảng dưới 1 triệu đồng/người/tháng.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam và các huyện đã có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ khôi phục, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm và các làng nghề như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, xây dựng nhà trưng bày, đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tham gia Hội chợ, đào tạo, tập huấn...

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như ILO, JICA, FIDR... cũng đã quan tâm, triển khai các Chương trình dự án hỗ trợ có liên quan đến phát triển nghề, các làng nghề dệt thổ cẩm như: Dự án tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam do ILO, SILT tài trợ; Dự án phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam do Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ với sự phối hợp với các đối tác có liên quan; Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn dựa trên sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Nam Giang...

Việc hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức quốc tế đã giúp cho đối tượng làm nghề từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Tin cùng chuyên mục