Tìm giải pháp cho tình trạng cử nhân thất nghiệp

Ngày 10-1, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo khoa học “Liên kết nhà trường và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp” tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM. Rất nhiều vấn đề nóng đã được mổ sẻ cùng các giải pháp căn cơ được các chuyên gia phân tích và thảo luận sôi nổi. 
Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn nghiên cứu hóa học tạo vi sinh bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn nghiên cứu hóa học tạo vi sinh bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khai thấp trình độ để làm công nhân

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TPHCM, cho biết: Công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Thực tế cho thấy, những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh; sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp... 

“Tôi xin nêu một thực tế, để làm rõ hơn vấn đề này đó là có một tờ báo quốc tế đăng một bài viết về tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp đại học nhưng phải đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng/tháng. Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường. Qua đó, chúng ta thấy rằng, giải quyết việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TPHCM, cho biết: Thực tế, thị trường lao động nước ta đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao. Năng suất lao động không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù. Cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu. Trong khi đó, các trường ĐH tại TP hàng năm cung cấp cho thị trường lao động thành phố hơn 70.000 lao động có trình độ đại học trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ đại học chỉ khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm. Ngoài ra, còn nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học từ các chương trình liên kết trong nước, ngoài nước, liên thông đại học, hệ đại học vừa học vừa làm và nguồn sinh viên từ các tỉnh, thành phố khác đến tìm việc làm... cho thấy nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học có nhu cầu việc làm tại TPHCM khoảng 100.000 - 110.000/năm, tỷ lệ “chọi” lên đến 1/48, cạnh tranh rất gay gắt. 

Theo ông Tuấn, những tỷ lệ sinh viên có việc làm đẹp như mơ của các trường cũng là một vấn đề, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp nên phải làm trái ngành. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác. 

Cần giải pháp đồng bộ 

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM muốn lắng nghe ý kiến và các giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học để giải quyết vấn đề này. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nằm trong 7 chương trình đột phá của TP, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Thành phố đang được xây dựng để trở thành đô thị thông minh, phát triển khu Đông TP thành khu đô thị sáng tạo. Muốn vậy trước hết phải trông cậy vào con người, vì vậy đòi hỏi nâng cao chất lượng đội ngũ. Con số thống kê có 60% lao động làm trái nghề, đó là sự lãng phí, quyết định đầu tư vào đào tạo một ngành nghề này nhưng sau đó không đúng lĩnh vực đó thì sao phát huy được. “Hiện nay có bất cập trong việc làm, sử dụng và phát huy nguồn nhân lực. Tôi đi làm việc với 3 trường ĐH ở Nhật thấy họ gắn rất chặt với doanh nghiệp, là doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với nhà trường. Vai trò nhà nước trong việc kết nối doanh nghiệp với nhà trường, thẳng thắn mà nói, là chưa nhiều”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: Đối với TP, công tác giải quyết việc làm cho người lao động là chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Bình quân mỗi năm, TP giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại TP đạt 72,3%.

Do đó, giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của TP, đồng thời cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn góp ý thêm: Hệ thống các trường và ngành giáo dục cần rà soát lại thị trường lao động để tính toán lại ngành nghề đào tạo. Hệ thống ngành nghề đào tạo của ta chắc nhiều nhất thế giới, đại học có hơn 300, cao đẳng hơn 600 ngành nghề. Việc đặt tên ngành, tên trường không phải của nhà đào tạo mà là của nhà tuyển sinh, đặt sao thật kêu để dễ tuyển sinh và đang có xu hướng đi theo chuyên ngành quá hẹp. Thời đại này chúng ta cần tích hợp ngành nghề lại vừa đảm bảo tính đa dạng vừa tổng hợp, khả năng làm việc theo xu hướng xã hội. Đào tạo chung nhất nhưng có khả năng đa dạng hóa ngành nghề. Các trường đại học khi hướng nghiệp cần hướng đến thực chất cho người học hơn là chỉ nói về tuyển sinh của trường mình. 

TS Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý nhà nước, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhìn nhận thực tế và khẳng định: Các trường cần đóng vai trò chủ động trong công tác đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp, trong khi đó chính quyền TP cần tạo những cơ chế động viên khuyến khích. Về công tác hướng nghiệp, chính quyền TP cần đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo. 

Đại diện nhiều trường cho rằng rất cần vai trò của Nhà nước để giải quyết vấn đề này, cái chính các trường cần là dự báo cho tương lai chứ không phải những thống kê của quá khứ. Trường đào tạo có tốt mà thị trường kinh tế không phát triển thì sinh viên vẫn sẽ thất nghiệp. TPHCM nên có cơ chế kết nối nguồn nhân lực của doanh nghiệp với các trường ĐH. Ngoài việc những giải pháp nâng cao năng lực sinh viên thì việc thúc đẩy nền kinh tế của TP và nền kinh tế vùng sẽ thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường lao động hơn.

Tin cùng chuyên mục