Tìm điều bổ ích trên YouTube

Vụ lùm xùm YouTuber Thơ Nguyễn “xin vía học giỏi” cho các bé phản cảm, dẫn đến nhiều ý kiến tẩy chay những video núp bóng giáo dục trên mạng nhằm “câu like”, tăng doanh thu quảng cáo… Các bức xúc này chỉ đúng với những clip, video bát nháo mà thôi. Vì nếu dư luận bình tĩnh đánh giá, trên YouTube vẫn xuất hiện những sản phẩm video tích cực, có giá trị giáo dục, giải trí…

Chẳng hạn, đối với những bé thiếu nhi, kênh Bé Na, Chibi trắng (KN Channel)… hầu như không thể thiếu trong giờ vui chơi, sinh hoạt tại gia đình. Nội dung câu chuyện được thiết kế nhẹ nhàng, chủ yếu dạy trẻ cách làm đồ chơi thủ công cho đẹp, phòng chống kẻ xấu ra sao, cách tránh đuối nước…

Mặc dù không thật sự xuất sắc, nhưng kênh này được một số phụ huynh thừa nhận là kênh tương đối an toàn, trẻ học được cách ứng xử, giao tiếp, cũng như tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi.

“Giọng chị bé Na hoặc Chibi trắng dễ nghe chứ không ồn ào, chói tai như một số YouTuber khác. Bé nhà tôi có sự tương tác nhiều hơn, rèn luyện khả năng nghe nói cũng tốt hơn”, chị Ứng Minh Ngọc, phụ huynh có con nhỏ 4 tuổi (ngụ tại quận Tân Bình) cho hay.

Tìm điều bổ ích trên YouTube ảnh 1 Câu chuyện về chị Dậu của Vlog 1977 

Mới đây, nhóm bạn trẻ thế hệ 9x, đồng chủ nhân của Vlog 1977 với hàng triệu lượt xem, được YouTube chọn làm đại sứ “Người sáng tạo thay đổi”. Nhóm bạn này “đã góp phần nâng cao vị thế, phát triển kỹ năng cho phụ nữ cũng như phòng chống bạo lực mạng, mang lại sự thay đổi tích cực cho xã hội” như tiêu chí mà YouTube đưa ra.

Xem một số video do các bạn dàn dựng (chỉ bằng ipad, tự quay, tự biên tập và lồng tiếng), người xem cảm thấy khá thích thú. Xu hướng đem lại tiếng cười cổ điển (tiếng máy rè rè, ảnh trắng đen…) với những trích lọc trong các tác phẩm văn học như Tắt đèn, Chí Phèo, Lão Hạc… mang đến cho người xem góc nhìn châm biếm nhưng cũng đầy mới lạ.

Thêm nữa, thú vị ở chỗ người xem còn cảm nhận rõ rệt lối diễn chân thực, gần gũi của các bạn trẻ Vlog 1977. Hay như, một số video dạy học tiếng Anh của bạn trẻ Nguyễn Đức Thịnh tại Hà Nội mang tên YouTube 5 minutes about IELTS cũng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt đăng ký. Bởi người xem đã học hỏi hoặc tìm ra những thứ mình thực sự cần trong các video này.

Suy cho cùng, mạng xã hội cũng giống như đời thực, có đủ hay - dở, tốt - xấu… Cái chính là làm sao người xem sàng lọc thông tin, để học hỏi được những gì phù hợp với bản thân. Riêng các em nhỏ, phụ huynh nên dành nhiều thời gian để cùng chơi với bé, đồng thời liên tục định hướng cho trẻ chọn xem các trang mạng phù hợp. Sàng lọc và khuyến khích những YouTuber đưa ra những kênh giáo dục chuẩn mực, mang tính thẩm mỹ… chính là những gì các cơ quan chuyên trách nên làm.

Tin cùng chuyên mục