Tìm “đầu ra” cho… hổ

Thời gian qua, tại Nghệ An và Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện, giải cứu nhiều cá thể hổ nuôi nhốt trái phép. Tuy nhiên, sau khi được phát hiện, giải cứu thì “số phận” các cá thể hổ này vẫn long đong, lận đận vì không tìm được “đầu ra”, tức là nơi chăm nuôi đủ điều kiện, hợp pháp.

Một cá thể hổ được chăm nuôi tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm trước khi chuyển ra Vườn thú Hà Nội

Ngày 4-8-2021, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép tại nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành).

Sau khi được giải cứu, có 9 cá thể hổ chết chưa rõ nguyên nhân, 8 con còn lại được chuyển tới Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) nhờ chăm nuôi.

Để nuôi 8 con hổ này, mỗi ngày 1 con tiêu tốn gần 2 triệu đồng, sau mấy tháng tiền chăm nuôi lên đến hàng tỷ đồng. Với số kinh phí này, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm không “kham” nổi nên đề nghị tỉnh Nghệ An tìm nơi ở mới cho đàn hổ.

UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và một số địa phương có các trung tâm cứu hộ, khu sinh thái đủ điều kiện nhận chăm nuôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đàn hổ bị từ chối tiếp nhận. Sau 7 tháng với nhiều văn bản qua lại, vừa qua, 8 con hổ cũng được Vườn thú Hà Nội nhận nuôi.

Tại tỉnh Thanh Hóa, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Mậu Chiến ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân nuôi trái phép 11 cá thể hổ. Sau khi “phạt cho tồn tại” 2 lần 60 triệu đồng, năm 2012 cơ sở nuôi nhốt này được cấp phép hoạt động, nhưng từ năm 2017 đến nay không được gia hạn thêm.

Để nuôi đàn hổ này, ông Chiến phải bỏ ra 60-70 triệu đồng/tháng để mua thức ăn và một số hoạt động khác. Trước áp lực về chi phí chăm nuôi, từ năm 2018 đến nay, ông Chiến đã nhiều lần làm đơn tình nguyện giao nộp 11 con hổ cho nhà nước, với điều kiện được hỗ trợ kinh phí chăm nuôi hơn 10 năm qua.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Chiến đưa ra mức hỗ trợ quá cao, khoảng 1 tỷ đồng/con, trong khi nhà nước không có quy định cấp kinh phí cho việc này. Tỉnh Thanh Hóa đã có kiến nghị Bộ NN-PTNT tìm hướng giải quyết dứt điểm “số phận” cho đàn hổ này.

Tìm “đầu ra” cho… hổ ảnh 2 Vì nuôi nhốt trong điều kiện chật chội và nuôi như nuôi heo nên các cá thể hổ khi được phát hiện đều béo nhưng sức khỏe rất yếu

Ngoài 2 vụ việc trên, năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cũng phát hiện thêm 1 vụ vận chuyển trái phép 7 cá thể hổ con.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 97 cá thể năm 2010 lên 364 cá thể vào năm 2021. Các con số, sự việc trên cho thấy, hoạt động nuôi nhốt và buôn bán hổ đã và đang diễn ra.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho hay, hoạt động nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại có thể được coi là nguồn cho công tác bảo tồn hổ ngoại vi. Tuy nhiên, vì thiếu các quy định toàn diện để quản lý nên hoạt động này phát triển một cách mất kiểm soát. Đây chính là kẻ hở, cơ hội cho các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép lợi dụng, núp bóng.  

Đã đến lúc cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để quản lý việc nuôi nhốt hổ một cách toàn diện. Có như vậy, khi được giải cứu các cá thể hổ sẽ “có nơi có chốn”, không “bơ vơ” và được chăm nuôi đúng nghĩa là động vật nguy cấp, quý hiếm.

Tin cùng chuyên mục