Tìm công nghệ, cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số báo chí

Sáng 23-12, Hội Nhà báo TPHCM, Sở TT-TT TPHCM cùng Hội Tin học TPHCM tổ chức tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cùng lãnh đạo các báo trên địa bàn TPHCM.
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại tọa đàm
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại tọa đàm

Báo chí đang gặp khó

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng nhấn mạnh, tọa đàm hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số (CĐS) với các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức CĐS trong các cơ quan báo chí TPHCM. 

Trên tinh thần này, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, chia sẻ: Quy trình làm việc ở Báo SGGP hiện vẫn theo mô hình các tòa soạn riêng lẻ. Việc trao đổi thông tin giữa các khâu trong toàn bộ quy trình xuất bản vẫn thực hiện “nửa hiện đại, nửa thủ công”. Có thể nhìn nhận, hiện tại ở Báo SGGP mới chỉ “chạm” vào CĐS. Bên cạnh thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng công tác đào tạo lại đội ngũ cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm chuyên gia giảng dạy, huấn luyện có kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS báo chí. “Ban Biên tập Báo SGGP nhận thức rõ CĐS là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp - xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng thống nhất”, ông Nguyễn Thành Lợi chia sẻ. 

"Chuyển đổi số không đơn giản là ứng dụng CNTT mà còn thay đổi quy trình làm việc, thay đổi tư duy với quyết tâm thực hiện nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các cơ quan báo chí, phóng viên phải khẳng định chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược và tích cực tham gia, tận dụng đầy đủ cơ hội, để đừng trở thành người đi sau, đi chậm", Phó Chủ tịch UBND TPHCM DƯƠNG ANH ĐỨC

Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước cho biết, rất nhiều sản phẩm sau khi được xuất bản đã bị các trang web khác, tài khoản mạng xã hội tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link. Hậu quả của nạn xâm phạm bản quyền báo chí khiến các tờ báo bị giảm sức hút đối với bạn đọc, giảm số lượng bạn đọc, giảm view, thậm chí có những trường hợp bị mất uy tín. 

Khai thác nguồn dữ liệu số phục vụ xã hội 

Để việc CĐS báo chí đi vào thực tế và hiệu quả, Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Thành Lợi bày tỏ mong muốn thành phố hỗ trợ, lập tổ tư vấn CĐS làm việc cụ thể với từng báo giúp xây dựng bước đi cụ thể trong CĐS. Thành phố có cơ chế, chính sách để các báo có thể khai thác nguồn dữ liệu số phục vụ nhu cầu xã hội theo cơ chế thị trường. “Chúng tôi nhận thức được rằng, việc vượt qua được những khó khăn, vướng mắc để có thể hiện thực hóa việc CĐS là điều không dễ dàng, cần ngay một cú hích tư duy trong toàn cơ quan, với sự quyết tâm cao nhất của Ban Biên tập, của Tổng Biên tập. Đặc biệt, báo cần nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo thành phố, của Bộ TT-TT, các cấp Hội Nhà báo, cũng như sự ủng hộ, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp và bạn đọc”, ông Nguyễn Thành Lợi đề xuất. 

“Các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác truyền thông, công nghệ để cùng chung tay chống vấn nạn xâm phạm bản quyền. Hiện nay rất cần thiết phải thành lập ngay một liên minh để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam”, ông Mai Ngọc Phước nói.

Đề xuất cụ thể hơn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung mong mỏi các công ty công nghệ trong nước phối hợp xây dựng giải pháp phục vụ nội dung làm báo, bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp lớn, mạnh về công nghệ nhưng chưa có giải pháp phục vụ về nội dung báo chí. CĐS rất cần mức độ sẵn sàng để thực hiện. Mức độ sẵn sàng lại cần một số điều kiện. Trong đó nhiều điều kiện lại liên quan đến tài chính. Nguồn lực tài chính lại gắn với các hoạt động kinh doanh và sức ép cạnh tranh từ các nền tảng khác. Giải được bài toán này, chắc chắn quá trình CĐS sẽ được thúc đẩy và mang lại nhiều hiệu quả to lớn hơn nữa.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng nhận định, các báo hiện nay vừa thiếu thông tin, vừa thiếu giải pháp công nghệ để CĐS, do đó trong thời gian tới, sở sẽ cùng các doanh nghiệp trong Hội Tin học TPHCM và các đơn vị công nghệ khác tìm các giải pháp công nghệ phù hợp cho các báo thúc đẩy CĐS. Với nhận thức CĐS phải là kiềng ba chân của ba nhà “Nhà nước, nhà báo, nhà doanh nghiệp”, sở sẽ thành lập tổ chuyên gia để đánh giá thực trạng CĐS các cơ quan báo chí hiện nay và sẽ có những kiến nghị, tham mưu với UBND TPHCM, Bộ TT-TT về hạ tầng công nghệ, cơ chế tài chính… nhằm thúc đẩy CĐS trong cơ quan báo chí tại TPHCM.

Tin cùng chuyên mục