Tìm cơ hội vực dậy TPP

Đến thời điểm này chỉ có Nhật Bản và New Zealand phê chuẩn TPP. Các quốc gia còn lại vẫn đang lưỡng lự về việc có nên thúc đẩy đàm phán tiến tới thông qua một hiệp định TPP chỉ gồm 11 nước thành viên hay không. 
Một cảng biển ở Tokyo, Nhật Bản
Một cảng biển ở Tokyo, Nhật Bản
Ngày 21-5, bên lề hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhóm họp. Cuộc gặp thảo luận về TPP sắp tới sẽ là một cuộc gặp quan trọng nhằm tìm hướng đi của hiệp định này.
Có thể vận hành 
Ngày 19-5, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara đã có các cuộc thảo luận song phương với các đối tác Việt Nam, Peru, Mexico để giải thích lập trường của Tokyo thúc đẩy đạt được một sự đồng thuận nhất định giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định. Ông Ishihara cho biết, Nhật Bản sẽ theo đuổi việc thực thi sớm TPP mà không có sự tham gia của Mỹ, cam kết Nhật Bản sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho hiệp định thương mại tự do lớn này. Theo ông Ishihara, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược. 
Đến thời điểm này chỉ có Nhật Bản và New Zealand phê chuẩn TPP. Các quốc gia còn lại vẫn đang lưỡng lự về việc có nên thúc đẩy đàm phán tiến tới thông qua một hiệp định TPP chỉ gồm 11 nước thành viên hay không. Một số nước vốn kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ thì lại chưa muốn triển khai TPP với lập luận rằng nếu không có sự tham gia của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì kinh tế của họ sẽ không được lợi. Vì theo số liệu được công bố gần đây, trao đổi thương mại trong khối liên minh 11 nước sẽ chỉ bằng 1/4 so với khi có đủ 12 thành viên, tức nếu còn Mỹ. Bên cạnh đó, Canada và Mexico cũng đang do dự với TPP do không muốn làm phật lòng Mỹ, khi hai quốc gia này đang sắp tái đàm phán với Mỹ về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong thời gian tới .
Trước đó, theo tờ The Economist, TPP sẽ được hồi sinh trong cuộc họp này ở Hà Nội. Cho dù Tổng thống Donald Trump cho rằng TPP bất lợi cho Mỹ, nhưng những nước khác trong hiệp định đã phải nhượng bộ rất nhiều trong việc mở cửa thị trường của mình. Một số nước như Nhật Bản còn xem TPP là một dấu ấn thể hiện quyết tâm chiến lược của Mỹ can dự vào châu Á trước một Trung Quốc ngày càng vươn lên. Cho nên, họ cam kết hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa công nghiệp dịch vụ cho đầu tư và cạnh tranh, tăng cường bảo vệ tác quyền và thắt chặt chuẩn mực môi trường. 
Mở đường cho Washington tái tham gia?
Tuy nhiên, còn phải làm nhiều việc trước khi TPP khởi động trở lại. 11 nước còn lại cần phải tìm ra tiếng nói để giải quyết việc thỏa thuận năm 2015 liên quan đến 12 thành viên. Bên cạnh đó, nhiều nước còn hy vọng một chính quyền tương lai ở Washington sẽ nhìn thấy những thiệt hại mà ông Trump gây ra cho uy tín của nước Mỹ khi rút lui khỏi TPP và sẽ quan tâm trở lại đến thương mại châu Á. 
TPP bao gồm các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10-2015, và thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Theo Reuters, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp ở Tokyo ngày 17-5 vừa qua, Thủ tướng New Zealand Bill English đã bày tỏ hy vọng, nếu thúc đẩy thành công tăng trưởng và thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, TPP sẽ thu hút mối quan tâm mới từ phía Mỹ. Do vậy, tại cuộc họp vào ngày 21-5 này, 11 bộ trưởng sẽ bàn thảo về việc tạo lập những quy định mới cho phép Washington có thể dễ dàng tái tham gia TPP nếu tình hình thay đổi.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara, điều quan trọng hiện nay là liệu các nước thành viên còn lại có thể đồng nhất quan điểm về hướng đi tương lai của TPP hay không.

Tin cùng chuyên mục