Tìm chuẩn đầu ra cho đào tạo giáo viên

Sáng 29-11, tại hội thảo góp ý chương trình đào tạo cử nhân sư phạm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, vấn đề chuẩn đầu ra cho giáo viên một lần nữa thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự. Đào tạo giáo viên liệu có thuộc về trách nhiệm của một mình trường sư phạm? 

Phải đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo ban soạn thảo Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là chương trình ETEP; do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới và 8 trường đào tạo sư phạm trong cả nước thực hiện), chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo sẽ dựa trên 4 căn cứ là nghị quyết, thông tư, văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; chương trình đào tạo hiện hành; các chương trình đào tạo tương ứng trong và ngoài nước; kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo.

Theo đó, ban soạn thảo sẽ tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và chuyên ngành đào tạo, cũng như nhu cầu của người sử dụng lao động đối với ứng viên thuộc các chuyên ngành đào tạo.

Từ kết quả phân tích đó, ban soạn thảo tiếp tục xây dựng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của các chương trình. Dựa trên chuẩn đầu ra, các trường sư phạm sẽ xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức cần thiết của từng chương trình đào tạo. 

Đánh giá về cách triển khai này, TS Nguyễn Đắc Thanh, Khoa Khoa học giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết hiện nay đang có quá nhiều cơ sở khác nhau để xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

Tìm chuẩn đầu ra cho đào tạo giáo viên ảnh 1 Một tiết lên lớp của cô Trịnh Giáng Tiên, Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận). Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Căn cứ tiếp cận càng nhiều càng cần có sự khái quát nhiều hơn trong xây dựng chương trình, đặc biệt chuẩn đầu ra cho cử nhân các chuyên ngành sư phạm cần tiệm cận chuẩn nghề nghiệp với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong đó, tôi cho rằng cần có sự tiếp cận nhiều hơn đối với các thang bậc đánh giá về kỹ năng, thái độ của người học chứ không chỉ đào tạo chủ yếu về kiến thức như hiện nay”, TS Nguyễn Đắc Thanh bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS Thái Hoàng Minh, Phó Trưởng khoa Hóa học (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho rằng các trường sư phạm cần dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội và chuẩn nghề nghiệp để xác định mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Theo đó, chuẩn đầu ra phải đánh giá đủ 4 yếu tố gồm phẩm chất, năng l

ực chung (6 nhóm năng lực gồm năng lực tự học; năng lực giao tiếp; năng lực tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực hợp tác; năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin), năng lực chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Riêng đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, cần tham khảo thêm chuẩn đầu ra của các chương trình quốc tế. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết chương trình quốc tế hiện nay có rất nhiều cơ sở để tham khảo, với chất lượng “thượng vàng hạ cám”.

Do đó, các trường cần xác định cách tiếp cận nào phù hợp, biết lựa chọn, học hỏi cả cái hay lẫn cái chưa hay của nước bạn để hoàn thiện chương trình đào tạo của mình. Ngoài ra, làm sao để vừa đáp ứng chuẩn đầu ra chung của cả nước, vừa tạo được nét riêng, tính đột phá cho từng khu vực đang là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị đào tạo. 

Trách nhiệm không chỉ trường sư phạm

Quan tâm đến các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, TS Phạm Nguyễn Thành Vinh, giảng viên Khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM, bày tỏ xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là một trong những cách “đi tắt, đón đầu” chương trình GDPT mới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.

Ngoài ra, đào tạo giáo viên không chỉ phục vụ mục tiêu duy nhất là triển khai chương trình GDPT mới, mà còn tạo ra thế hệ thầy cô giáo đủ năng lực, phẩm chất giảng dạy các chương trình tiên tiến trên thế giới. Ở góc độ khác, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn thông tin thêm, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đang áp dụng ma trận chuẩn đầu ra 4 cấp độ.

Đây là cách làm chưa nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong quá trình triển khai sẽ chấp nhận những ma trận đặt ra nhưng làm không tới để tiếp tục hoàn thiện, sửa chữa cho phù hợp.

Mặt khác, sau quá trình đào tạo, đơn vị đào tạo sẽ có những hình thức kiểm tra, đánh giá sinh viên đạt bao nhiêu phần trăm năng lực so với chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp.

Những năng lực, phẩm chất sinh viên còn thiếu và yếu sẽ tiếp tục được bồi dưỡng bởi nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau trong xã hội chứ không riêng trách nhiệm của một mình trường sư phạm. 

Riêng đối với đào tạo giáo viên môn Tin học, chương trình GDPT hiện hành bắt đầu giảng dạy bộ môn này từ lớp 6 nhưng vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.

Trong khi đó, với chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu triển khai cuốn chiếu từ năm học 2020-2021, môn Tin học được giảng dạy từ lớp 3, đòi hỏi số lượng giáo viên nhiều hơn, thay đổi trong cách tiếp cận chương trình cũng như bổ sung thêm kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học, kỹ thuật giảng dạy cho học sinh tiểu học.

Thực tế này đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật kiến thức về nghiệp vụ sư phạm bên cạnh việc học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, để người giáo viên có đầy đủ điều kiện phát huy năng lực, phẩm chất đáp ứng chương trình GDPT mới, bản thân mỗi nhà trường, phụ huynh và học sinh cũng phải thay đổi về ý thức trách nhiệm, kết hợp tốt giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, vận động tốt các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin cùng chuyên mục