Tìm cách trị... “giặc lửa”!

Mỗi năm cả nước xảy ra gần 3.000 vụ cháy khiến hàng trăm người chết và bị thương. Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn các thành phố lớn và cháy nhà dân chiếm tới 50%. 
Vụ cháy tại chung cư Carina ở TPHCM gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vụ cháy tại chung cư Carina ở TPHCM gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi đó, công tác quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố lớn còn nhiều bất cập, chưa có sự gắn kết quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch tổng thể về phòng cháy chữa cháy...

Lo nhất cháy nhà dân

Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) do Bộ Công an tổ chức với 63 tỉnh, thành trong cả nước vào ngày 21-9.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu rõ, trong năm qua cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.564 tỷ đồng và 1.209ha rừng. Nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm trên 50%; do vi phạm, sơ suất trong sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%.

Kiểm tra đột xuất nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công an nhận thấy có nhiều vi phạm và bất cập. Trong đó nổi lên là công tác quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố lớn chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch tổng thể về PCCC-CNCH. Nhiều công trình đã buông lỏng quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy trì hoạt động các hệ thống kỹ thuật PCCC.

Vẫn chủ quan, coi thường

Trước tình hình cháy nổ vẫn diễn ra phức tạp, chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nhiều vụ cháy xảy ra còn có nguyên nhân chủ quan là sự nhận thức chưa đầy đủ của người dân, cũng như một số cơ quan quản lý, chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC.

“Một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu, lãnh đạo các cấp, ngành và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC, chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác PCCC, mới tập trung cho đầu tư phát triển, nhưng chưa chú ý đến đầu tư cho phòng ngừa sự cố...” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát những vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và PCCC-CNCH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này. Bộ Công an sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư. Bộ Xây dựng rà soát lại các quy định, quy chế trong công tác quản lý, vận hành chung cư, nhà cao tầng để đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó, phải quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà trong việc duy trì bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống kỹ thuật về PCCC của tòa nhà, nhất là đối với loại hình nhà tái định cư, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC và kỹ năng, biện pháp thoát nạn cho nhân dân.

Qua đợt cao điểm kiểm tra về PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng tại các địa phương vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện 109.116 tồn tại vi phạm về PCCC; lập 4.360 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số 5.308 lỗi vi phạm về PCCC, nộp vào ngân sách nhà nước gần 10 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 1.197 trường hợp, đình chỉ hoạt động 666 cơ sở hoặc hạng mục, bộ phận của công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC.

Tin cùng chuyên mục