Tìm cách giảm sức ép cho ngành bán lẻ

Trong những năm qua, kinh tế TPHCM tăng trưởng cao và ổn định, bình quân tăng 8,15%/năm từ năm 2016 đến nay. Riêng khu vực thương mại - dịch vụ hiện đóng góp 63,2% GRDP của thành phố. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng của ngành sụt giảm mạnh. 
Hệ thống phân phối trong nước nỗ lực cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội
Hệ thống phân phối trong nước nỗ lực cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội

Tiềm năng và cạnh tranh lớn

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết hiện số lượng doanh nghiệp (DN) khu vực bán lẻ tăng trưởng bình quân 10,87%/năm, đã góp phần làm tăng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, số lượng chợ chiếm 2,8%, siêu thị chiếm 22%, trung tâm thương mại chiếm 23% cả nước. Đến nay, thành phố đã phát triển được 239 chợ, 216 siêu thị, 44 trung tâm thương mại và 2.065 cửa hàng tiện lợi. Đây cũng là khu vực phát triển năng động và cao nhất trong các khu vực kinh tế của thành phố, tăng bình quân 8,15%/năm.

Để đạt được mức đóng góp như trên, trong những năm qua, khu vực thương mại - dịch vụ đã thể hiện được nhiều ưu điểm hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, hạ tầng thương mại ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Các phương thức giao dịch thương mại hiện đại, thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, trao đổi thương mại được thành phố đảm bảo phát triển theo xu hướng bền vững và theo quy luật cung - cầu. 

Về phía thành phố, nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho các DN phân phối đã được triển khai tích cực. Các cơ quan chức năng đã tập trung đẩy mạnh giải pháp phát triển thị trường bán lẻ thông qua hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Việc kết nối cung - cầu không chỉ dừng lại phạm vi thành phố mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, thậm chí cả khu vực miền Trung và miền Bắc. Thực tế này đã giúp DN phân phối mở rộng nguồn cung ứng hàng hóa, chủ động phát triển ổn định thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, găm hàng, sốt giá, gây thiệt hại cho người dân. 

Tuy vậy, hệ thống bán lẻ trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh với nước ngoài. Hiện có 53 siêu thị và 24 trung tâm thương mại do các DN 100% vốn nước ngoài và liên doanh nắm giữ. Trong khi đó, các nhà phân phối trong nước khó đáp ứng được về mặt bằng kinh doanh do giá thuê cao (đặc biệt tại các quận nội thành), diện tích nhỏ, vị trí kinh doanh không thuận lợi. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ hệ thống bán lẻ

Cũng theo Sở Công thương TPHCM, quy hoạch đến năm 2020, trung tâm thương mại và siêu thị sẽ chiếm tối thiểu 40% tổng mức bán lẻ của thành phố. Con số này đến năm 2025 là 50% và năm 2030 là 60%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hệ thống bán lẻ. Đại diện Saigon Co.op cho biết, thời gian qua, hệ thống bán lẻ này đã chuyển đổi sang bán hàng qua điện thoại, thương mại điện tử để duy trì tăng trưởng của DN. Hiện lượng hàng bán ra thông qua kênh điện thoại, thương mại điện tử đã tăng hơn 30%. Thế nhưng, sự tăng trưởng không đồng đều trong sức tiêu thụ của các mặt hàng đã khiến cho hoạt động các đơn vị bán lẻ nói chung và Saigon Co.op nói riêng gặp nhiều khó khăn. 

Trước tình hình đó, hệ thống phân phối đã phải giảm chi phí thuê quầy kệ, chi phí thuê mặt bằng, giảm chiết khấu… cho DN cung ứng. Tuy nhiên, điều này khiến cho hệ thống phân phối rơi vào tình trạng khó chồng khó. Không những vậy, sự sụt giảm doanh số bán hàng của nhiều DN cũng kéo theo doanh thu hệ thống phân phối giảm mạnh. Sự sụt giảm kép doanh thu này khiến nhiều DN phân phối lao đao. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh trong hệ thống bán lẻ đã diễn ra khá nhiều và sẽ còn gia tăng mạnh trong thời gian tới. Các hệ thống bán lẻ có quy mô nhỏ, vốn mỏng được đánh giá là khó có thể trụ lại thị trường. 

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều DN cho rằng thành phố cần sớm hoàn thiện liên kết hệ thống logistics và xuất nhập khẩu. Trong đó, gia tăng năng lực cũng như quy mô các DN dịch vụ logistics, tạo cơ sở để các DN này có thể triển khai giải pháp logistics trọn gói, giảm chi phí dịch vụ ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực. Về thương mại điện tử, tuy đang có tốc độ phát triển nhanh nhưng DN cần được gỡ khó trong công tác quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến thu thuế, kiểm soát hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng… 

Quan trọng hơn, những gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế, phí, lệ phí của Chính phủ cần được đẩy nhanh đến DN nói chung. Trong đó, với hỗ trợ đầu tư, cần tập trung vào các khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường, cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa. Riêng với chính sách thuế, tài chính vốn, cần tận dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính được thiết kế cho DN nhỏ và vừa, hướng dẫn chi tiết cho trường hợp DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực bán lẻ để tạo ra cơ chế bảo lãnh tín dụng, tiếp cận các quỹ tài chính cho DN. Về phía các cơ quan chức năng, cần tiếp tục các nỗ lực cải cách thuế, phí và sớm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Qua đó, hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà bán lẻ nội địa.

Tin cùng chuyên mục