Tiểu vùng Nam Trung bộ: Chủ động liên kết phát huy lợi thế, cùng có lợi

Các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung bộ có nhiều lợi thế phát triển như cảng biển, du lịch biển… Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc liên kết còn rời rạc, bị động, thiếu điều phối dẫn đến mỗi tỉnh mỗi phách.
Bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách
Bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách

4 tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung bộ có hạ tầng khá thuận lợi, với sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) và Cam Ranh (Khánh Hòa); nhiều cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua; gần với TPHCM và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông. Các tỉnh đều có điều kiện phát triển từ biển như khu kinh tế biển Vân Phong, Nam Phú Yên và thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái… gắn với phát triển đô thị ven biển.

Tuy nhiên, tại tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới” do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổ chức, các chuyên gia đánh giá với những lợi thế có sẵn, nhưng các tỉnh chưa liên kết tốt. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng “xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích tiểu vùng, toàn vùng”.

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, vẫn biết liên kết vùng được kỳ vọng để phát triển, nhưng năng lực có hạn, các địa phương thường “gói ghém” riêng cho mình. Chẳng hạn, khâu quy hoạch chưa có tầm nhìn tổng thể không gian xuyên suốt giữa các tỉnh mà mỗi tỉnh làm theo thế mạnh riêng. Còn Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhìn nhận: “Lâu nay quá trình liên kết vùng chưa gắn kết, chỉ dừng lại ở mức nhất định do đang thiếu cơ chế ràng buộc”.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết, trong điều kiện bối cảnh mới, cần rà soát lại các nội dung công tác liên kết đã triển khai để xem những việc đã làm được, chưa làm được và mạnh dạn loại bỏ những việc không phù hợp; xác định việc trọng tâm, phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương. Theo ông Ninh, phải phân định rõ chức năng trong việc phối hợp liên kết tạo thành cơ hội phát triển cùng có lợi giữa các địa phương trong tiểu vùng và trong vùng thì việc liên kết mới bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Để phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi tỉnh cũng như có chiến lược phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế thì việc lựa chọn lĩnh vực nào ưu tiên để phát huy được lợi thế, thế mạnh và sự cộng hưởng của cả vùng là nhiệm vụ quan trọng. TS Phan Thị Sông Thương (nhóm chuyên gia Viện Kinh tế - xã hội vùng Trung bộ) cũng nhìn nhận, 4 địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ có đặc điểm, lợi thế, điều kiện phát triển khá tương đồng. Vì thế, các tỉnh nên chủ động phối hợp cùng nhau đẩy mạnh phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn mang tính vùng, tiểu vùng. Các địa phương  nên bàn bạc xem vùng mình có thế mạnh, lợi thế nào nhiều nhất, từ đó liên kết, hợp tác để cùng phát triển. 
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, các tỉnh trong tiểu vùng cần xác định tiềm năng, lợi thế để cùng liên kết hài hòa và phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho những ngành liên kết, có sự điều phối, phân bổ nguồn lực hợp lý. “Cần lập một quy hoạch vùng là trung tâm để điều tiết liên kết vùng, đồng thời kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng hội đồng vùng như vùng ĐBSCL”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu giải pháp. Hội đồng vùng làm đầu mối để triển khai các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ cử một thành viên tham gia để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phối hợp với bộ ngành. 

Đánh giá quá trình liên kết vùng giữa các địa phương tiểu vùng Nam Trung bộ còn lỏng lẻo, thiếu vai trò điều phối vùng, chưa khai thác, phát huy lợi thế, quy mô ngành nghề cũng như lĩnh vực vốn có, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, điều quan trọng trong liên kết vùng là hành lang pháp lý và công tác tổ chức, cơ chế liên kết. Vì vậy, ngoài sự chủ động của các địa phương, việc liên kết vùng cần có “nhạc trưởng” để định hướng, trong đó có vai trò dẫn dắt của Chính phủ, bộ ngành thông qua công cụ quy hoạch và các cơ chế chính sách trong quản lý, phân bổ nguồn lực. 

Tin cùng chuyên mục