Tiêu thụ da giày trong nước giảm nhẹ

Theo Hội Da giày TPHCM, nhu cầu thị trường nội địa đã giảm trên 20% so cùng kỳ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng ngành da giày trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 1% (cùng kỳ giảm 4,5%). 
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm làm từ da tại thị trường TPHCM
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm làm từ da tại thị trường TPHCM
Đồng thời, những khó khăn về vấn đề tăng lương, năng suất lao động không tăng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của ngành da giày.
Ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, hiện nay khó khăn lớn nhất của ngành là phải nhập nguyên phụ liệu từ bên ngoài và khó xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu thuộc da do yếu tố môi trường. Hơn nữa việc nhái, sao chép kiểu dáng các sản phẩm da giày khiến một số doanh nghiệp Việt Nam không thiết tha trong việc đầu tư thiết kế sản phẩm mới, cải thiện năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu cạnh tranh ngày càng gay gắt, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp ngành da giày cần chú ý, đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn trong nước để mở rộng thị phần tiêu thụ.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp ngành da giày phát triển, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ thành phố (trực thuộc Sở Công thương) đang phối hợp với Hội Da giày TPHCM xây dựng dự án “Chế biến da cá sấu” để xin quỹ đất tập trung phát triển một số doanh nghiệp trong ngành. Ngoài ra, TPHCM cũng phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam về cung cấp nguyên phụ liệu thuộc da nhằm hỗ trợ cung cấp đầu vào cho các nhà máy da giày trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục