Tiêu dùng thông minh để chống hàng giả

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 502 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. 
Còn năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người bị ngộ độc. Nguyên nhân một phần do sử dụng sản phẩm bẩn, sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. 
Khó kiểm soát hàng kém chất lượng 
Liên quan đến vấn đề này, ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, thừa nhận tình trạng sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả thương hiệu nổi tiếng trên thế giới diễn ra khá phổ biến tại nước ta. Chỉ tính trong năm 2017, Cục Quản lý thị trường đã xử lý 19.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt 73,8 tỷ đồng; giá trị hàng hóa vi phạm trên 518 tỷ đồng. 
Ghi nhận tại thị trường cho thấy, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang bày bán tràn lan trên thị trường nhưng rất khó kiểm soát hết được. Các đối tượng vi phạm thường có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng. Không những thế, cơ sở làm hàng giả còn tổ chức sản xuất thành những cụm nhỏ, theo những phân đoạn nhất định. Sau đó thu gom và giao hàng theo hình thức cuốn chiếu nên rất khó bị phát hiện. 
Tiêu dùng thông minh để chống hàng giả ảnh 1 Doanh nghiệp TPHCM chỉ cách phân biệt hàng thật - hàng giả
Tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp có nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới với các chi cục quản lý thị trường, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại L’oreal, cho biết, chỉ tính riêng nhãn hàng mỹ phẩm của L’oreal có đến 75% sản phẩm bán tại Việt Nam là hàng giả. Hàng chính phẩm chỉ chiếm 25% thị phần và chỉ cung ứng tại một số trung tâm thương mại cao cấp. “Thủ phủ” hàng giả thường núp trong cửa hàng mỹ phẩm, tập trung ở các quận 5, 10, Gò Vấp. Riêng tại TP Cần Thơ và TP Tân An (Long An) bán tràn lan, công khai từ trong chợ ra đến đường phố. Ngay sản phẩm L’oreal đang được quảng bá là hàng xách tay hay hàng chính hãng bán trên các trang mạng thương mại điện tử tại Việt Nam cũng không phải là hàng chính hãng. Đại diện Công ty Bột ngọt Ajinomoto cung cấp thêm, tình trạng giả bột ngọt thương hiệu của công ty trên thị trường thời gian qua khá phổ biến, nhất là tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc. 
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây tác động tiêu cực đến chiến lược đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp chính hãng tại Việt Nam mà quan trọng hơn còn gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. 
Tiêu dùng an toàn, bắt đầu từ cộng đồng
Đại diện Công ty Bột ngọt Aijnomoto cho rằng, thời gian qua, được sự hợp tác hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều trường hợp làm giả sản phẩm của công ty đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài, để ngăn chặn vấn nạn trên rất cần những giải pháp chặt chẽ hơn từ phía cộng đồng. Theo đó, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng tại các kênh phân phối hiện đại. 
Chia sẻ về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, để hàng hóa của doanh nghiệp vào được hệ thống siêu thị Co.opmart phải trải qua quy trình kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng đầy đủ tất cả quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng của cơ quan chức năng. Kế đến, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn và chất lượng quy định khi giao hàng tại kho của Saigon Co.op. Không những thế, khi sản phẩm đã được trưng bày trên quầy kệ của siêu thị, Saigon Co.op còn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chất lượng thường xuyên và đột xuất để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng được an toàn và chất lượng đảm bảo nhất. 
Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh thêm, hiện sản phẩm phân phối qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… được kiểm soát chất lượng khá tốt. Ngược lại, tại các chợ truyền thống rất khó kiểm soát chất lượng, hàng thật hay hàng giả. Do vậy, để có thể tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần phải lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhất là lựa chọn kênh mua hàng có kiểm soát chất lượng. Giải pháp tiêu dùng an toàn trên không những giúp bảo vệ an toàn sức khỏe bản thân mà còn giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng gian, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường. 
Cục Quản lý thị trường đề nghị doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chức năng, quản lý thị trường thực hiện thống kê, điều tra cơ bản hàng hóa đang kinh doanh, sàng lọc sản phẩm có nguy cơ bị làm giả. Từ đó, giúp cơ quan chức năng chủ động hơn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc tiêu dùng an toàn, không sử dụng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Mặt khác, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý mạnh tay với những đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cục đến đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục