Tiết kiệm

Mùa dịch Cô Vít (Covid-19), nơi tập trung đông người nhất trong siêu thị, ngoài quầy bán mì ăn liền là chỗ bán giấy vệ sinh và khăn giấy.
Minh họa: K.T
Minh họa: K.T

Ơn giời, bữa nay siêu thị có đủ loại hàng giấy vệ sinh, từ 1 lớp, 2 lớp, đến n lớp; rồi khăn giấy khô, khăn ướt, không phải tranh mua tranh bán như mấy bữa có tin chính thức về bệnh nhân thứ 17. Và đang hít hà cái không khí lãng đãng của một buổi trưa - không lảng vảng bóng ma virus - thì tôi bỗng giật bắn người khi nghe tiếng đàn ông the thé: “Bà không nhìn giá sao? Mông bà bằng vàng hay kim cương?”.

Ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy một cặp vợ chồng nhìn cũng có vẻ dân trí thức, ăn bận lịch lãm, đi bên cạnh là cô con gái quãng 10 tuổi đang ngáp ngắn ngáp dài, lộ vẻ chán nản khi tháp tùng phụ huynh đi săn đồ. Người phụ nữ đẩy cái xe với đống hàng cao gần tới cổ. Nghe tiếng quát, chị ta vội để lại lốc giấy 10 cuộn, 3 lớp có mùi thơm hoa hồng của một hãng Nhật hay Hàn mà tôi chịu, không phân biệt được vì chữ tượng hình loằng ngoằng. 

Tiếng rít lên của người đàn ông giống tiếng máy khoan hộp sọ khi giải phẫu khiến người vợ có vẻ xấu hổ, đưa mắt nhìn trộm chúng tôi. Tôi bấm tay chồng, vội vã rời nơi sẽ xảy ra sự vỡ vụn của hôn nhân. Đi khá xa, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng chì chiết của người chồng về chủ đề “bà không kiếm ra tiền mà sống hoang phí vậy” và tôi chỉ thở dài nói với chồng, chắc họ phải tiết kiệm để mua xe hay mua nhà gì đó. Và bỗng dưng, tôi lại nhớ chuyện cơ quan, một tổng công ty lớn. Đó là chuyện về một cặp vợ chồng làm chung, một “mối tình công sở” điển hình: gặp nhau, ngẫu nhiên ăn trưa, yêu nhau, cưới nhau và có một mặt con. Họ đúng là cặp đôi hoàn hảo, đọc nhiều, hiểu nhiều, khá thú vị khi trò chuyện. Một lần, Phương, tên cô vợ, bên tách cà phê tâm sự với tôi: Thằng cu nhà em còn bé nhưng anh Huỳnh nhà em đã nghĩ tới chuyện nó lập gia đình phải có con xe, có căn hộ ở riêng. Anh ấy nghĩ xa lắm nên bọn em giờ phải tiết kiệm từng xu. 

Theo lời kể của cô, toàn bộ tiền lương cô đều nộp lại cho chồng giữ vì “ảnh biết chi tiêu tiết kiệm hơn em”. Số tiền tiêu vặt của Phương cũng rất hạn hẹp nên khi đi mua sắm gì đó, cô nàng đều tham khảo ý kiến chồng, rồi chồng mới “trích xuất” tiền mua. Thường thì họ đi mua chung nên Phương - không biết có biệt tài từ lúc nào - đã trở thành chuyên gia mua hàng giảm giá, từ mạng này mạng kia đến đường này, hẻm đó. Cơ quan ai cần cứ ới Phương là xong vấn đề.

Lương lậu của Phương cũng khá, vì cô làm ở mảng định giá bất động sản, nhưng vì “lo tương lai” cho con nên cô phải tiết kiệm tối đa. Gần như tất tật cô đều mua trên mấy website mua bán online, nơi được giảm giá nhiều khi tới 90%, còn quần áo mặc thì ra chợ mua - như cô hay cười nói “có vài chục cái váy, hàng xuất khẩu lỗi mà chị. Nói chung cứ ai bỏ đi thì em khuân về”. Rồi thời gian qua đi, Phương già và ốm đi thấy rõ. Nhưng Phương có vẻ hạnh phúc ra mặt vì không những không mất tiền tập gym mà còn được mặc lại những đồ mua từ mấy năm trước, những tưởng phải bỏ đi. Những bữa ra ngoài ăn trưa, trong khi các đồng nghiệp “vô tư” chọn món, chọn quán thì Phương phải đắn đo suy nghĩ nên mua món pizza này không vì có vẻ “hơi mắc”. Cô cũng bỏ luôn chuyện ra tiệm làm đầu, làm móng để dốc sức cho sự nghiệp “tiết kiệm”. Mỗi khi về nhà, thằng con đòi mua đồ chơi mới thì cô nhẹ nhàng: “Con à, ngày xưa bố mẹ làm gì có đồ chơi. Thôi mấy cái này cũng được rồi”.

Rồi 3 năm trôi qua. Một hôm Phương đến cơ quan với vẻ mặt bừng sáng thông báo, chúng em đã mua được con xe Suzuki Swift đỏ “hàng Nhật chính gốc, mới cáu nha nha”. Đúng là không uổng công bao nhiêu ngày tháng tích cóp, nhịn ăn, nhịn mặc. Song có xe, cuộc sống của Phương vẫn không thay đổi so với thời không có xe. Cô vẫn phải tất tả đi xe máy đón con từ trường về. Anh chồng thì nói đón con bằng con Suzuki “không tiện đường” lắm và “hao xăng”. Và như trong cổ tích, họ vẫn tiếp tục sống hạnh phúc như đã sống. Rồi lại một ngày Phương báo, bọn em mới mua căn hộ trả góp 3 phòng ngủ “hướng Tây Nam đẹp lắm nha”. Cả cơ quan lại ngơ ngác rỉ tai nhau, đấy phải sống tiết kiệm như thế mới có xe, có nhà, chả bù cho thằng chồng tôi…

Tôi xuất thân từ một gia đình cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Từ bé, tôi cũng đã học được tính tiết kiệm, song không phải vì thế mà tự mình làm mất đi những thú vui cuộc sống vì xe, vì nhà. Tôi vẫn có thể bỏ ra 3 - 4 triệu đồng mua vé xem buổi hòa nhạc mình thích và vân vân. Chồng tôi tên Nhân, thường gọi là Nhân “mập”, từng học chuyên văn trường Lương Văn Chánh ở xứ Nẫu. Anh tuy mũm mĩm nhưng rất lãng mạn, cũng hợp tính tôi: tiền nhiều thì xài nhiều, tiền ít thì xài ít, không quá câu nệ chuyện phải “tiết kiệm”… Và chúng tôi dừng lại ở quầy hải sản chọn mua 2 con tôm hùm vì tôi thích món tôm hùm xốt bơ. Tiếp đó, quay lại chỗ quầy giấy vệ sinh, đã không còn bóng dáng cặp vợ chồng nọ, tôi lấy 3 lốc giấy vệ sinh ngoại có 3 lớp, có mùi hương lô hội, giá 200.000 đồng/lốc. Chồng tôi cười, quẳng đống giấy vào xe đẩy đi tiếp như không có gì xảy ra… Và đêm nay, bên dĩa tôm hùm, chàng trai Nhân “mập” ngày nào sẽ đọc tôi nghe một bài thơ tình có mùi biển mằn mặn.

Tin cùng chuyên mục