Tiết giảm chi tiêu

Một yêu cầu được nêu trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua là cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch); đồng thời tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch Covid-19, tăng cường đầu tư phát triển và chi cho những nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. 

Nghị quyết cũng yêu cầu báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30-6 chưa phân bổ (hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là một quyết định hết sức kịp thời trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu ngân sách cho các hoạt động chống dịch là rất lớn và cấp bách.

Thực tế, chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, tiết giảm tối đa các khoản kinh phí hội họp, công tác nước ngoài… đã được Chính phủ thực hiện nhiều năm qua. Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 56 của ủy ban cho thấy, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2.900 tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6.400 tỷ đồng).

Tại hội trường Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9, đồng chí Phạm Minh Chính - lúc đó đang là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đã nhấn mạnh yêu cầu tiết kiệm, chỉ rõ rằng các khoản chi thường xuyên chiếm tới hơn 65% tổng chi ngân sách nhà nước và “nếu tiết kiệm được 1%, chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng”. Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, vẫn còn dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên, đơn cử như kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

Tuy thế, nguồn thu năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” có lẽ không chỉ là một lời khuyên bảo từ tiền nhân mà đang là một nhiệm vụ chẳng đặng đừng.

Cũng phải nói thêm rằng, dư địa để tiết kiệm dù còn đó nhưng cũng có những giới hạn nhất định. Về lâu về dài, việc tăng cường hiệu quả đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu mới là gốc rễ lâu bền để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô.

Tin cùng chuyên mục