Tiếp tục xuất hiện áp thấp: Mở thêm 1 cửa xả đáy tại hồ Hòa Bình

Hôm nay, vùng biển vịnh Bắc bộ; khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới đang lấn về phía Tây nên từ đêm 12 đến ngày 13-7 ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa, mưa vừa với lượng mưa phổ biến 20 - 40mm, có nơi mưa to như: Văn Lý (Nam Định) và Thái Bình 56mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 60mm, TP Ninh Bình 67mm… 

Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới đang có trục đi qua khu vực giữa Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ hoạt động mạnh, trên cao có áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn về phía Tây… nên ngày 14-7, đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa rất to, kéo dài đến hết ngày 17-7. Tây Nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2 - 3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Trong khi đó, theo quan trắc, vào chiều 13-7, một vùng áp thấp vừa hình thành trên khu vực vịnh Bắc bộ, có vị trí ở khoảng 18 - 20 độ vĩ Bắc và 106,5 - 108,5 độ kinh Đông nối với dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc biển Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển nhưng trong 2-3 ngày tới, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động mạnh, vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc bộ có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Hôm nay, vùng biển vịnh Bắc bộ; khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh.
Chiều 13-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện gửi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến tận các thôn bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra. 

Để thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và triển khai hoạt động diễn tập “Điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình, ứng phó đảm bảo an toàn hạ du”, hồi 15 giờ ngày 13-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra Công điện số 09 yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp 1 cửa xả đáy tại hồ thủy điện Hòa Bình vào 21 giờ 30 ngày 14-7. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng mở thêm các cửa xả theo quy định. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về ban chỉ đạo và các cơ quan có liên quan. Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình triển khai công tác chủ động ứng phó, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hạ du khi hồ chứa xả lũ. 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bắt đầu từ 20 giờ tối nay (14-7), tại các đầu cầu gồm hồ thủy điện Hòa Bình, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ở Hà Nội cùng các điểm khác ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình sẽ tổ chức cuộc diễn tập “Điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó đảm bảo an toàn hạ du” để chuẩn bị kịch bản và kinh nghiệm thực tế nếu chẳng may có các tình huống, sự cố xảy ra.

Tại huyện Cái Nước, Cà Mau, khoảng 20 giờ ngày 12-7, lốc xoáy với cường độ mạnh làm sập hoàn toàn 9 căn nhà và 47 căn bị tốc mái. Mưa dông và lốc xoáy cũng làm thiệt hại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau như huyện U Minh, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 11 đến 13-7 có 28 căn nhà bị sập, 140 căn nhà bị tốc mái, ước tính thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục