Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Ngày 9-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về kế hoạch triển khai xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, phát biểu. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc chuẩn bị đề án là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết XIII của Đảng đặt ra. Chủ tịch nước cho rằng, cần xác định phạm vi, mốc thời gian của đề án; rà soát tên của chiến lược theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Khi được hoàn thiện và triển khai, đề án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, do đó, phải thể hiện được quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Việc xây dựng các nội dung của đề án phải có phương pháp tiếp cận đảm bảo khoa học, có tầm nhìn xa đến 2045, đổi mới và phù hợp với xu hướng phát triển dựa trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống tình hình trong nước và quốc tế. 

Chủ tịch nước cũng lưu ý việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong đề án; khẳng định quan điểm Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự giám sát của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền phải tiếp tục được quán triệt, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục bổ sung các chuyên đề cần thiết, phù hợp vào dự thảo đề án. Quá trình xây dựng cần huy động được trí tuệ các nhà chuyên môn về các báo cáo và chuyên đề; tổ chức các hội thảo, hội nghị thu hút sự tham gia của đội ngũ các chuyên gia trong cả nước để lắng nghe ý kiến góp ý.

Cùng với đó là thành lập tổ biên tập trên cơ sở lựa chọn nhân lực có chất lượng; hoàn thiện quy chế làm việc đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Các công việc phải được phân công rõ ràng, kể cả đối với thành viên Ban Chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ và có chất lượng trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Tin cùng chuyên mục