Tiếp tục tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng như bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo đã tạo lập tiền đề cho đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Trong đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đã được thực hiện. Thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận 34 của Bộ Chính trị năm 2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm, nhiều địa phương đã sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tỉnh Lào Cai đã tiên phong công bố sáp nhập Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng. Tỉnh Hà Giang tiến hành hợp nhất một số cơ quan thuộc chính quyền với cơ quan đảng, sáp nhập Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh... Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhiều địa phương cũng đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm sắp xếp lại bộ máy các cơ quan, đơn vị của tỉnh thành.

Một số địa phương đã thực hiện công tác cán bộ bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Đây là giải pháp vừa mang ý nghĩa đổi mới tổ chức chỉ đạo, điều hành của cơ quan tại địa phương, vừa là giải pháp có tính chất tạo sự chủ động hơn nữa của người lãnh đạo. Bởi khi việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, đảng và chính quyền cấp trên được “quy về chung một mối”, sẽ giúp các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn. Đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cùng cấp.

Cuộc họp mới đây của Thường trực Chính phủ bàn về các dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tiếp tục cho thấy vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy địa phương gắn với cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết. Trước đây, nhiều việc trùng lắp giữa sở ngành này với sở ngành kia, một việc giao cho nhiều người đã dẫn đến chồng chéo, hiệu lực quản lý không cao. Có nhiều nhiệm vụ nhưng tới 2-3 nơi quản lý, như lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang đến hệ quả là không phân định rõ trách nhiệm. Tới đây, đổi mới bộ máy phải làm sao hướng đến một người có thể làm nhiều việc. Khi đó, bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, có hiệu lực hiệu quả, tăng phân cấp, phân quyền, chức năng, nhiệm vụ để bộ máy từ địa phương đến Chính phủ tốt hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước được sắp xếp lại, từng bước được tinh gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thì hiệu lực quản lý sẽ mạnh lên.

Xét cho cùng, CPĐT là nhằm thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý có tính gọn nhẹ, linh hoạt, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả thực thi công vụ. Đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương góp phần sớm xây dựng thành công CPĐT; khắc phục được những bất cập về sự cồng kềnh của bộ máy quản lý, chồng chéo của chức năng, nhiệm vụ… trong bộ máy chính quyền địa phương. Đó chính là động lực cơ bản, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam xây dựng thành công một nền hành chính hiện đại, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một bộ máy thông suốt từ trên xuống dưới, ít giấy tờ.

Tin cùng chuyên mục