Tiếp tục thanh tra các dự án đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa

Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Tiếp tục chương trình phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 7, từ 9 giờ 50 phút sáng 6-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ giải trình trong phiên chất vấn của Quốc hội.

Trước đó, từ ngày 4 đến 6-6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Có 42 đại biểu đăng ký chất vấn. Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo của Chính phủ cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng và giải trình một số vấn đề.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng

Về cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, báo cáo cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…

“Chính phủ nỗ lực phấn đấu cao nhất cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành việc giải ngân đầu tư công theo kế hoạch. Tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến; giải ngân 5 tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng khoảng 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%). Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; chậm chễ trong thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật về đầu tư công.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm; yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin – cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm…

Sau khi dự án luật được thông qua, Chính phủ sẽ nghiêm túc tổ chức triển khai, đưa các quy định của luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, phát huy hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này đối với nền kinh tế.

Về phát triển doanh nghiệp, báo cáo cho biết, hiện nay, cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể; đóng góp quan trọng trong thu hút lao động và tăng trưởng kinh tế trong các ngành, lĩnh vực. Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. So với một số nước, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo; đồng thời tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới mọi hình thức. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Không chấp nhận gian lận thi cử

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Các kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và giảm chi phí của xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu. Trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.

Phó Thủ tướng cho hay, hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống

Về vấn đề đạo đức xã hội, báo cáo cho biết, thời gian gần đây ở một số địa phương còn xảy ra không ít vấn đề về đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại. Xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm… không ít giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên; quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng về đạo đức, lối sống con người Việt Nam; khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát

Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, báo cáo nêu rõ: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng như các vụ: AVG; “Vũ nhôm”; “Út trọc”, Thép Thái Nguyên… Đồng thời,  tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm như: PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Xác định rõ phòng chống tham nhũng là công việc hệ trọng, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa...

Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước ở Biển Đông


Về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng.

“Chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử, đảm bảo cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi của chúng ta. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước ở Biển Đông”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Theo ông, thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển vẫn được thực hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển. Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao, biện pháp cần thiết khác.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu vấn đề tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị nước ngoài bắt giữ thì Chính phủ có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân? Theo Phó Thủ tướng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu bắt giữ ngư dân của chúng ta trong vùng biển hợp pháp. Thực tế chúng ta đã yêu cầu thả ngư dân, đối xử nhân đạo và bồi thường cho ngư dân trong những trường hợp xảy ra va chạm ở vùng biển tranh chấp, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi, yêu cầu phía Indonesia, Philippines thực hiện đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Với những trường hợp ngư dân Việt Nam vi phạm thì chúng ta yêu cầu phía bạn đối xử nhân đạo, xét xử công bằng. Cùng với đó, yêu cầu các lực lượng chức năng của ta đẩy mạnh tuyên truyền để giáo dục, vận động ngư dân chúng ta chấp hành đúng pháp luật, đánh bắt ở vùng biển hợp pháp.

Tin cùng chuyên mục