Tiếp tục bình ổn giá hàng hóa thiết yếu

Gồng lỗ và giữ giá là những giải pháp mà Saigon Co.op đang căng mình thực hiện thời gian qua nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên về dài hơi, cần có quyết sách tháo gỡ khó khăn để Saigon Co.op nói riêng và doanh nghiệp (DN) nói chung duy trì ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. 

Nỗ lực chăm lo đời sống người dân

Thông qua mô hình mua hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng Co.opFood trên Grab, Gojek… người dân sẽ được cung ứng hàng nhanh nhất với giá bình ổn, thậm chí thấp hơn so với Facebook bán hàng của một số người dân và tiểu thương. Chị Đặng Thị Ánh Dương, ngụ Loverapark, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chia sẻ, do thời gian qua trên địa bàn TPHCM hạn chế shipper hoạt động nên người dân thường chọn mua hàng trên Facebook của một số tiểu thương, người bán trong khu dân cư. Điều này cũng đồng nghĩa là giá hàng hóa khá “chát”. Đơn cử, rau xanh tại Co.opFood giá từ 12.000-15.000 đồng/kg, thịt heo ba chỉ 200.000 đồng/kg thì tại khu dân cư rau xanh giá 30.000-35.000 đồng/kg và thịt heo 240.000-260.000 đồng/kg.

Hàng hóa thiết yếu tại hệ thống Saigon Co.op tiếp tục duy trì giá bình ổn thị trường
Việc phải mua hàng thiết yếu với giá chênh lệch cao đã gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sống của người dân, nhất là trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn do thu nhập giảm mạnh, mất việc trong thời gian dài… Do vậy, ngay khi shipper được hoạt động liên quận trở lại, tình hình trên đã ít nhiều cải thiện. Cũng theo chị Dương, chỉ 2 ngày thứ bảy và Chủ nhật vừa qua, qua đặt hàng đi chợ hộ trên Grab, trong vòng 30 phút - 1 giờ đồng hồ là gia đình chị đã có đủ đồ ăn do Co.opFood cung cấp. 

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Saigon Co.op cho biết, không chỉ hệ thống Co.opFood mà tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Smile… đều được kiểm soát giá chặt chẽ. Theo đó, mức giá bình ổn được duy trì, nhất là với hàng hóa thiết yếu để đảm bảo chia sẻ khó khăn với người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Trước đó, Saigon Co.op đã mạnh tay xử lý các cửa hàng Co.op Food tự ý nâng giá bán cao hơn giá quy định. Theo đó, đơn vị này đã chấm dứt nhượng quyền thương hiệu 17 cửa hàng Co.opFood. Đây được xem là động thái kiên quyết của Saigon Co.op nhằm thể hiện cam kết với người dân trong việc chia sẻ khó khăn và nỗ lực duy trì bình ổn giá trên thị trường. 

Chung tay chia sẻ khó khăn 

Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, hiện các DN sản xuất lương thực thực phẩm đang chung tay cùng hệ thống Saigon Co.op chia sẻ khó khăn với người dân, đảm bảo người dân không thiếu hàng thiết yếu. Tuy nhiên, để chiến lược này có thể thực hiện dài hơi, cần có sự tham gia từ các cấp cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay. 

Từ tháng 9 trở đi là cao điểm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Với giá nguyên liệu, logistics, chi phí phát sinh do phải tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh trong khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh… đang khiến nhiều DN gặp khó. Trong một cuộc họp gần đây, nhiều hiệp hội DN gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Sữa, Hàng Việt Nam chất lượng cao… đồng loạt cho biết, giãn cách kéo dài khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng tại TPHCM, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8-2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% DN EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông dân, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Do vậy, để có thể chung tay cùng hệ thống phân phối chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhiều DN cho rằng Chính phủ cần tính đến giải pháp giảm chi phí phát sinh, đồng thời trợ vốn để DN duy trì hoạt động. Trong đó, cho phép nhiều tổ chức DN tham gia bán kit xét nghiệm và kiểm soát giá như mặt hàng cần bình ổn giá. Về chi phí xét nghiệm, đại diện các hiệp hội kiến nghị ngân sách nhà nước chi trả chi phí cho cá nhân chưa có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế chi trả nếu cá nhân đóng bảo hiểm. Chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch của tổ chức, DN được khấu trừ vào chi phí DN hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng liên quan thúc đẩy nhanh việc miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho DN; tăng hậu kiểm việc thực hiện chính sách tại các địa phương. Quan trọng hơn, cần thiết phải đảm bảo lưu thông thông suốt không chỉ thị trường nội địa mà còn thị trường xuất nhập khẩu, đảm bảo DN không bị đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi sản xuất và nguồn cung cho thị trường. 

Tin cùng chuyên mục