Tiếp thị bằng… khói và tiếng ồn

Tại TPHCM, có nhiều tiệm ăn, quán nhậu, quán bar tiếp thị mời chào khách hàng, gợi sự chú ý bằng cách… làm phiền người qua đường và cư dân chung quanh. Quán nhậu, quán bar dùng loa công suất lớn; các quán cơm tấm, bún chả thì mang thịt ra nướng ngoài lề đường hun khói mờ mịt. 

Cố ý nướng thịt ngoài đường

Việc nướng thịt, nướng sườn ngoài lề đường gây ra khói bụi, tàn lửa, mùi thịt nướng, làm phiền người đi đường và cư dân xung quanh.

Bà Nguyễn Thu Bình than: “Quán bán bún, bánh mì thịt nướng ở ngay đầu ngã tư Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Minh Khai bày cái lò than nướng thịt ra ngoài lề đường. Khu vực này đường hẹp, thường xuyên kẹt xe. Vậy mà quán để lò nướng thịt ngoài đường, khói, bụi than táp thẳng vào mặt người qua đường; tàn lửa bay vào quần áo; tóc mọi người chung quanh bị ám mùi khói thịt nướng. Việc này diễn ra đã lâu nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở chấn chỉnh”.

Không phải chỉ do mặt bằng chật hẹp mà phải mang lò than nướng thịt ra vỉa hè, nhiều quán ăn rộng lớn như quán bún chả trên đường Ngô Tất Tố hay tiệm cơm trên đường Trần Quang Long (quận Bình Thạnh) cũng đưa lò nướng thịt ra ngoài lề đường, xem đó là cách mời gọi thực khách.

Tiếp thị bằng… khói và tiếng ồn ảnh 1 Một quán cơm tấm trên đường Nơ Trang Long (phường 14, quận Bình Thạnh) mang bếp lò ra nướng thịt ngay trên lề đường
Các quán ăn này mở cửa suốt ngày, bày cái lò than ở bên ngoài, sử dụng quạt máy thổi gió vào lò để lò than cháy rực. Khói bay mù mịt, tro và tàn lửa táp vào người qua đường.

Ở đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1) có cả dãy quán bò cuốn lá lốt, mỡ chài, chiều chiều các quán lại bày lò than cặp vào vách tường của một cơ sở giáo dục gần đó để nướng thịt.

Khói bay mù mịt khiến nhiều khi người đi đường phải hốt hoảng tưởng có cháy. Cách tiếp thị bằng khói lửa thế này rõ ràng là không ổn.

Gây ồn bất chấp mọi người

Nhiều quán nhậu, quán bar còn dùng chiêu trò câu khách bằng cách đưa loa phát nhạc ra đường, hoặc tổ chức hát với nhau. Quán trong nhà hay quán lề đường đều sẵn sàng phục vụ nhu cầu giải trí của thực khách bằng những dàn loa khủng, khiến cư dân xung quanh chỉ biết than trời. 

Cư dân ở đường Mê Linh (phường 19, quận Bình Thạnh) khá bức xúc với tình trạng hoạt động kinh doanh gây ồn ở khu vực này.

Bà Nguyễn Thị Hai phàn nàn: “Con đường này khi xưa khá yên tĩnh, nhưng thời gian gần đây không còn yên ổn nữa. Ở đoạn giữa tuyến đường này có một doanh nghiệp mua bán nước đóng chai. Cứ tầm giờ trưa thì các xe tải về chở nước. Các công nhân vận chuyển quăng thùng nước đã sử dụng loại 20 lít ầm ầm trên sàn xe và lề đường. Chúng tôi góp ý hoài, nhưng chưa thấy chủ doanh nghiệp chấn chỉnh”. Cô Thủy Phương cho biết thêm: “Từ vài tháng nay có quán nhậu hoạt động. Ban đầu, quán có cửa cách âm, nhưng rồi ngày càng bất chấp, rất ồn ào. Dù 2 - 3 giờ sáng khách vẫn cười đùa, la hét om sòm”.

Pháp luật đã có quy định về việc tổ chức hoạt động kinh doanh phải bảo đảm giữ vệ sinh môi trường, hạn chế gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Các trường hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar phải đảm bảo cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thế nhưng chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh.

Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, Điều 17 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2dBA; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2dBA đến trên 40 dBA. Thẩm quyền xử phạt do UBND cấp xã, phường.

Tin cùng chuyên mục