Tiếp thêm lực từ cơ chế đặc thù

Tuy xuất phát khá chậm so với khu Nam Sài Gòn, nhưng với những bước tiến thần tốc, chỉ trong vài năm khu Đông (bao gồm quận 2, quận 9) đã vượt hẳn khu Nam về mọi mặt, đứng đầu TPHCM về hạ tầng, đô thị hiện đại.
Một cao ốc bên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Một cao ốc bên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Đường mới - phố mới

Cuối năm Đinh Dậu, hầm chui nút giao thông Mỹ Thủy giao với đường Vành đai 2 rẽ vào cảng Cát Lái được thông xe, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng của cảng container nhộn nhịp số một Việt Nam: giảm tải kẹt xe cho cả khu vực. Trong vài tháng tới, khi đã hoàn tất toàn bộ các hạng mục còn lại của công trình, xem như lời ta thán kẹt xe kinh niên đường vào cảng Cát Lái sẽ chấm dứt. Việc giải quyết nạn kẹt xe của quận 2 sẽ đánh thức toàn bộ khu Đông, phát triển mạnh đô thị. Điều đó có nghĩa thị trường bất động sản của khu vực sẽ tiếp tục được hâm nóng! Trong những năm tới, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thông xe, metro hoàn tất thì khu Đông với hạ tầng hoàn chỉnh càng là tâm điểm của thị trường bất động sản. 

Những ngày này, khu Đông tất bật với hàng loạt dự án bất động sản mọc lên, bám theo những cung đường mới hoàn thành. Sự bừng khí của khu Đông có thể nói đã tạo ra một khu vực năng động của TPHCM, đường sá hoàn thành nhanh chóng, nhà cửa xây dựng từng ngày. Mới đây, tại một cuộc họp của HĐND TPHCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, cung cấp một thông số biết nói: Tính theo dự án Metro số 1, vào năm 2012, số nhà chung quanh tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được chào bán là 2.600 căn, nhưng đến quý 3-2017, con số này là 18.000 căn.

Thêm nguồn kinh phí cho hạ tầng

Theo kế hoạch, trong năm 2018, TPHCM sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Sương… Khi đó, tình hình giao thông tại TPHCM sẽ được cải thiện đáng kể. Cụ thể, trong năm 2017, TP đã giải quyết được kẹt xe ngắn hạn ở một số điểm nóng xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và hầm Thủ Thiêm; xây dựng thêm được 106km đường, 21 cây cầu. Kế hoạch năm nay, TPHCM sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đó là các dự án giao thông theo hướng Đông, gồm đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú). Ở hướng Tây Nam, gồm các dự án cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương, tuyến trục Bắc - Nam (từ An Sương đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) và những tuyến hướng tâm như các quốc lộ 1, 13, 32, 50. Đặc biệt, trong nội đô sẽ có các tuyến đường được xây dựng, giúp thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, như triển khai dự án cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4…

Ngoài ra, nhiều dự án khác được đôn đốc thực hiện để sớm hoàn thành trong năm 2018, trong đó có một số dự án liên quan đến khu Đông như khu vực cảng Cát Lái (với 15 công trình, như xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Vành đai 2 và nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ mặt đường Vành đai 2…). “Ngay trong quý 1-2018 chúng tôi sẽ khởi công 22 dự án cầu đường bộ, trong đó Sở Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2, đường nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50 kết nối TPHCM với tỉnh Long An. Chúng tôi tự tin từ năm 2018 trở đi, diện mạo của TP sẽ khởi sắc và chuyển biến nhanh hơn, vì thực hiện cơ chế đặc thù, TPHCM sẽ có thêm nguồn kinh phí từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do TP làm chủ sở hữu, hoặc trích tỷ lệ 50% từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, nguồn phí và lệ phí… để xây dựng hạ tầng tích cực hơn”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, chia sẻ. Với hàng loạt dự án hạ tầng đang và sắp triển khai, “chiếc áo mới” cho khu Đông sẽ càng rực rỡ, là nơi “đất lành chim đậu” của TPHCM trong tương lai không xa.

Tin cùng chuyên mục