Tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài: Doanh nghiệp gặp khó

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tài chính trong nước và nước ngoài tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức tại TPHCM.

Khó chồng khó

Theo nhận định của bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Nhiều DN phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 41.783 DN, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; 30.256 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13.502 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có gần 8.554 DN rút lui khỏi thị trường.

Riêng tại TPHCM, hiện vẫn còn khoảng 84% DN đang trong tình trạng khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã khiến các DN hạn chế trong tiếp cận nguồn lực như thông tin về pháp luật và chính sách, vốn, đất đai, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ DN… “Trong những nguồn lực kể trên, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự hình thành, tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh bình thường, điều này đã không dễ dàng với đa số DN Việt Nam. Trước những tác động của dịch Covid-19, tiếp cận các nguồn vốn lại càng trở nên khó khăn hơn”, bà Phi Vân nói.

Tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài: Doanh nghiệp gặp khó ảnh 1 Nuôi cá Koi xuất khẩu tại trại cá Châu Tống, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Điều tra PCI 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của USAID, có tới 35% DN cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, vẫn còn một tỷ lệ lớn DN khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ DN tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các DN nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các DN vừa và lớn.

Đáng lưu ý là DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Cũng theo điều tra PCI trong nhiều năm qua, gần 90% DN đồng tình với nhận định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp”. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến phát biểu của đại diện các hội ngành nghề tại hội thảo như cơ khí, thủ công mỹ nghệ khi cho rằng, dù DN có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, nguồn vay của họ cũng rất ngắn hạn, chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để DN thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn.

Kinh doanh cần theo chuẩn quốc tế

Trái với những khó khăn về vốn của các DN, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh không thiếu. Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Quỹ đầu tư Investment Group (VIG), gợi ý, tại thời điểm này, các DN có thể tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vốn của các chính phủ (USAID, Quỹ đầu tư của Hà Lan); kêu gọi từ các quỹ đầu tư; kêu gọi từ các ngân hàng thương mại... Riêng VIG đặt tiêu chí, định hướng đầu tư vào các DN trong thời gian từ 7-10 năm, bên cạnh cung cấp vốn, VIG còn hỗ trợ DN xây dựng chiến lược và cử nhân sự chuyên gia tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, phát triển kinh doanh. Đó cũng là sự cam kết đồng hành giữa VIG và DN.

Ông Alex Downs, Chuyên viên đầu tư Quỹ Khí hậu và phát triển Hà Lan - Việt Nam (DFDC), cho biết, DFDC đang hỗ trợ DN bằng nhiều phương thức: hỗ trợ từ kỹ thuật đến tài chính, hỗ trợ DN có đủ tiềm lực để phát triển kinh doanh; với DN đã ổn định và tham gia các chương trình đầu tư, quỹ sẽ liên kết với các ngân hàng, viện để cung cấp tài chính cho các DN đầu tư phát triển.

Tương tự, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), thông tin, HDBank đã dành nhiều gói hỗ trợ cho DN rất linh hoạt. Bên cạnh các chính sách cho vay thế chấp thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ DN những gói vay tín chấp với điều kiện DN có phương án kinh doanh hiệu quả; báo cáo về những khoản thu thành công từ những nhà cung cấp lớn; báo cáo thuế minh bạch, rõ ràng.

Bằng những điều đã nêu, tại nhiều cuộc họp, hội thảo các nhà cung cấp vốn cũng khẳng định đã cơ cấu các khoản vốn hợp lý để hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng đi vào thực tế, DN vẫn kêu khó tiếp cận vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank cho rằng, vấn đề mấu chốt, quyết định để các DN tiếp cận thành công các nguồn vốn chính là bài toán kinh doanh và chất lượng quản trị nguồn nhân lực của một DN. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn với các tổ chức tài chính cũng sẽ giúp DN có điều kiện, cơ hội tái cấu trúc về nhiều mặt như công nghệ, nhân sự, vị trí cán bộ, quy trình sản xuất, nhân tố tổng hợp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng sức cạnh tranh của DN.

Ông Jack Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc Công ty MAZARS Việt Nam, chỉ ra rằng, sở dĩ các DN Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài là do DN chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế khi kêu gọi vốn, ví dụ báo cáo về tài chính, thuế của DN chưa rõ ràng… Bài toán đặt ra là cần hỗ trợ DN điều chỉnh báo cáo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, DN phải thể hiện sự minh bạch trong kinh doanh, nâng cao vai trò trách nhiệm của DN trước cộng đồng.

Để gỡ khó về bài toán vốn cho DN, ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, kiến nghị: “Vốn là mạch máu của DN, trong tình hình hiện nay, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển thì rất cần vai trò hỗ trợ từ nhà nước, làm “bà đỡ” cho các DN trong quá trình tiếp cận với các nguồn vốn. Với những DN có tài sản thế chấp để vay vốn nhưng vẫn bị vướng bởi một số thủ tục, nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh hoặc hợp thức hóa để đưa vào thế chấp. Còn với DN có dự án tốt, nhất là dự án của các DN khởi nghiệp thì nhà nước có thể kết nối với ngân hàng để thẩm định các dự án tiềm năng nhằm giúp DN nhanh chóng có được nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cách để TPHCM tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp nhanh và bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Quản lý Chương trình Cao cấp, Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID Việt Nam, cho biết thêm, thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (USAID LinkSME), USAID đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức hỗ trợ DN Việt Nam, giúp họ phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau Covid-19. USAID LinkSME sẽ trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho DN thông qua chia sẻ kiến thức tài chính, hỗ trợ DN chuẩn bị và nộp đơn đăng ký liên quan đến tiếp cận tài chính, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục